Mùa xuân đến với người Mường dài hơn ở phố thị. Trong tháng Giêng, nhiều lễ hội do bản làng tổ chức và đặc biệt là "Lễ xuống đồng" được người Mường rất coi trọng. Cả một mùa xuân, các bản Mường tràn ngập trong các trò chơi dân gian như chơi đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo,… và những điệu hát đúm, hát sắc bùa… Những lời ca, câu hát tạo nên một nét rất riêng cho mùa xuân ở bản Mường.
Đến đầu bản Nga (Cúc Phương), bắt gặp những chàng trai, cô gái trong bộ trang phục nhiều màu sắc đang khoe tài qua những điệu hát đúm. Hát đúm hình thành từ chính nhu cầu lao động và được nhiều thế hệ người Mường sáng tạo và nuôi dưỡng đến ngày nay. Theo người già kể lại thì những người sinh ra trên mảnh đất Mường ai cũng biết một vài câu hát đúm. Hát đúm là loại hình âm nhạc bình dân nhất ai cũng có thể hát và hát bất kỳ lúc nào. Hát đúm không cần có nhạc, không cần lời trước mà chủ yếu dựa vào tài ứng khẩu của người hát.
Chị Bùi Thị Tích cho biết: Những cụ già trong thôn kể lại, ngày còn nhỏ đã theo người lớn đi hát đúm quanh làng hoặc vào những gia đình có người hát giỏi để thi tài. Bao giờ cuộc hát đó phải có người thua thì mời hát chào ra về. Có những cuộc hát đúm thâu đêm, qua ngày mà vẫn không phân thắng bại. Người hát chủ yếu là thanh niên, người già nếu tham gia chỉ là đứng giữa gieo vẫn hoặc phân xử thắng thua. Bài bản của hát đúm rất phong phú, đầu tiên khi mới gặp nhau là những câu hát chào, tiếp sau đó là hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình, hát cưới và cuối cùng là hát ra về. Lời hát đúm phải là những câu thơ theo thể lục bát.
Rời bản làng của Cúc Phương, men theo con đường nhỏ bên những nương ngô, nương dứa xanh mướt báo hiệu một năm mới sung túc, chúng tôi đến với những bản Mường của xã Kỳ Phú. Anh Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch MTTQ xã cho biết: Năm nào chúng tôi cũng tổ chức những trò chơi dân gian ở các bản Mường để cho nhân dân vui xuân. Trong ngày hội ấy, ngoài các tiết mục văn nghệ như cồng chiêng, hát đúm, hát ru, hát sắc bùa..., chúng tôi còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đẩy gậy, ném còn, kéo co, đi cà kheo... Ngày mùng 4 Tết, người Mường tổ chức "Lễ xuống đồng", hay còn gọi là "Lễ mở mắt cồng, mắt lệnh". Đây là lễ hội lớn nhất trong mùa xuân của người Mường. Từ 5 giờ sáng, người dân trong các bản đã tập trung tại phủ thờ Thành Hoàng.
Theo phong tục của người Mường thì trước khi mở hội cồng chiêng, làng phải có một con lợn, mâm lễ trình với các vị thánh trong làng. Mâm lễ bắt buộc phải có một con lợn "non 5, già 3" để làm mâm cỗ vành "3-5-7-9" tính từ trong ra. Mở đầu lễ hội cồng chiêng, ông Trùm sẽ có lời trình báo với dân làng, rồi đánh ba hồi chiêng đầu, sau đó con cháu mới được bước vào phủ làm lễ và kết thúc tiếng cồng chiêng là kết thúc ngày hội hôm đó.
Hát giao duyên người Mường - Nho Quan. Ảnh: Phạm Trường.
Đến với lễ hội của người Mường mùa xuân, chắc không ai có thể quên điệu hát sắc bùa, một điệu hát đặc thù của người Mường. Nét riêng của sắc bùa so với những thể loại dân ca khác của người Mường như hát rằng thường, hát đúm... là có cả tiếng cồng, chiêng dùng để đệm trong từng làn điệu. Cồng, chiêng là loại nhạc cụ duy nhất trong cuộc hát sắc bùa và trước kia mỗi phường bùa ở Nho Quan có dàn cồng, chiêng gồm 8 loại với kích cỡ to nhỏ khác nhau với cồng tiểu, cồng trung, cồng đại. Chính điều đó làm nên dấu ấn riêng về những phường bùa của người Mường nơi đây mà bất kỳ ai đã từng được nghe đều ấn tượng về những câu hát, ứng tác lời ca, ứng khẩu với những câu chúc tụng ngày xuân phù hợp với hoàn cảnh mỗi gia đình.
Chị Đinh Thị Duyên, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan nói: Mở đầu cuộc hát sắc bùa ở Nho Quan, phường bùa thường tụ họp ở nơi trung tâm bản, đánh cồng, chiêng với âm thanh rộn rã rồi lần lượt đi đến từng nhà trong bản. Hát xong ở sân, chuyển sang hát bài "gọi cửa" chủ nhà: "Chúc cho ông trên đụn/Bà trên nhà/Hết năm cũ đã qua/Bước sang năm mới/Làm nên ăn, giàu có/Cơm kho, lọ tiếng/Con cái vương trưởng/Muốn gì được nấy"... và chủ nhà cũng có những câu hát đối mời phường bùa vào hát trong nhà như: "Dạ ơn/Có lòng dạ ơn, phường bùa đã đến nhà/Phường bùa quá độ vào nhà/Mời trầu, mời nước/Để hát cho vui cửa vui nhà/Làm ăn khấm khá...". Ngoài ra, xưa kia, trước khi mở đầu cuộc hát sắc bùa ở mỗi nhà thường có tục "tróc quỹ", "trừ tà" và việc này do chính "Trùm phường" hoặc một thầy cúng tiến hành. Nhưng đến nay, do có sự thay đổi về nhận thức nên người Mường ở Nho Quan không còn duy trì tục lệ này nữa. Bên cạnh đó, những phường bùa ngày nay ở Nho Quan chủ yếu là người già vì hầu hết lớp trẻ đang có sự mai một về những làn điệu dân ca trong hát sắc bùa.
Hát sắc bùa không chỉ là nét đẹp truyền thống của ngày xuân mà còn mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, là món ăn tinh thần trong niềm vui đón chào năm mới của người Mường nơi đây, làm sống lại trong ký ức người cao tuổi bao kỷ niệm về một thời tuổi trẻ say sưa cùng những lời chúc tụng trong làn điệu sắc bùa. Và đây cũng là loại hình độc đáo nét văn hóa truyền thống đậm đà của người Mường. Tuy nhiên, việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và phổ biến dân ca Mường còn rất hạn chế nên việc bảo tồn và phát triển những làn điệu dân ca trên chủ yếu dự và truyền miệng.
Ông Nguyễn Cao Hòa, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Nho Quan cho biết: Mỗi dịp xuân về chúng tôi cùng với chính quyền địa phương đều tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, khơi dậy các trò chơi dân gian, các ngày lễ truyền thống... ở các bản Mường nhằm lưu truyền lại những nét văn hóa đặc sắc. Và mùa xuân về người Mường lại tự hào hát lên những làn điệu dân ca của mình, trong lòng mỗi người Mường lại thấy nôn nao, cảm xúc dâng trào đón chờ một mùa xuân mới.
Linh Nhi