Kỳ III: VẪN CÒN NHỮNG THÁCH THỨC
Ngoài những yếu tố tích cực được xã hội công nhận, việc đưa các doanh nghiệp tham gia đầu tư quản lý, khai thác các điểm du lịch cũng bộc lộ một số hạn chế. Thực tế xảy ra tại Quần thể danh thắng Tràng An năm 2018 là một ví dụ. Với sự việc xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ, trong vùng lõi của di sản, Công ty cổ phần du lịch Tràng An đã buộc phải tháo dỡ toàn bộ công trình xâm phạm, trả lại nguyên trạng cảnh quan, môi trường của Di sản khu vực núi Cái Hạ.
Tuy nhiên, sự việc cũng là một lời cảnh báo đối với công tác khai thác, quản lý tài nguyên thiên nhiên, di sản. Ngay trong kết luận thanh tra, UBND tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra, ngoài sai phạm của doanh nghiệp thì một số cơ quan quản lý nhà nước đã không thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý đất đai, đất rừng, quản lý di sản, du lịch, văn hóa, xây dựng, quản lý doanh nghiệp, thuế, lao động, bảo hiểm xã hội... thiếu kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời; chưa phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, biện pháp ngăn chặn kém hiệu quả, thiếu quyết liệt, không triệt để.
Gần đây, cuối năm 2019, sự việc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh xây dựng một số công trình ngoài giấy phép tới hơn 1.800 m2, xâm hại vùng lõi di sản Tràng An (tại khu vực Thung Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) cũng khiến các cơ quan chức năng khá vất vả để giải quyết.
Ông Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban quản lý danh thắng Tràng An nêu quan điểm: Thực tế một số doanh nghiệp đã lạm dụng khai thác quá mức dẫn đến có những việc làm chưa phù hợp với định hướng quản lý, bảo tồn di sản.
Do vậy, khi trao quyền cho doanh nghiệp quản lý và khai thác thì chúng ta phải đồng hành cùng doanh nghiệp, gắn định hướng của Nhà nước với những chiến lược phát triển kinh doanh. Đồng thời, phải có chính sách hỗ trợ xây dựng chiến lược quảng bá, tuyên truyền giúp các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mới và quan trọng là phải phù hợp với định hướng chiến lược bảo tồn.
Ngoài việc giải quyết hài hòa mối quan hệ hợp tác công-tư trong khai thác, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch thì tỉnh cũng cần phải quan tâm đến một số tác động không mong muốn mà ngành công nghiệp không khói này mang lại.
Trong đó, vấn đề cấp thiết đã nhìn thấy rõ là sự phát triển quá nhanh các hoạt động du lịch nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân cư, văn hóa bản địa, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đe dọa phát triển du lịch trong tương lai. Nguồn tài nguyên nước bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, việc xả rác của người dân và khách du lịch; vấn đề xử lý chất thải chưa được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng môi trường, tác động ngược lại đến phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch và sinh kế của cư dân nếu không có sự quản lý chặt chẽ sẽ thiếu thân thiện với môi trường và nghiêm trọng hơn là khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức, khiến cho môi trường bị suy thoái. Tình trạng rác thải nhựa cũng là một vấn đề nóng. Điều này bộc lộ rõ nhất vào các mùa cao điểm khi lượng khách đến với các điểm du lịch đông.
Trước thực tế này, ngành Du lịch đang xây dựng chiến lược, phối hợp với địa phương để giải bài toán cân bằng giữa phát triển du lịch với đảm bảo môi trường bền vững. Theo đó đẩy mạnh các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm mới; kiểm soát nguồn ô nhiễm, suy thoái môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế như xây dựng, phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, sản xuất ở các làng nghề truyền thống. Tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học...
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Ban Quản lý các khu du lịch để xây dựng, ban hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch. Bên cạnh đó, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý và khắc phục các hậu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường do tác động của hoạt động du lịch. Khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ xử lý chất thải, áp dụng công nghệ để ứng phó với các sự cố môi trường.
Hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch tài nguyên môi trường; thực hiện tốt quy hoạch về nguồn cung cấp nước sạch cho khu vực đô thị và nông thôn, nhất là các địa điểm du lịch trọng điểm...
Tin rằng với sự chủ động của các cấp, các ngành và ý thức của người dân trong việc chú trọng công tác bảo vệ môi trường chung tại các khu, điểm du lịch sẽ góp phần đưa du lịch Ninh Bình đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.
Hà Phương - Đào Duy