Với những đóng góp tích cực từ góc nhìn của các nhà quản lý ngoại biên. Cuộc tọa đàm đã đạt được mục tiêu đề ra, trên tinh thần cầu thị, ngành du lịch Ninh Bình tranh thủ, tiếp thu những ý tưởng hay, kinh nghiệm từ các địa phương khác nhằm ngày một hoàn thiện sản phẩm hơn.
Tại diễn đàn, hầu hết các ý kiến đều cho rằng những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cơ chế, chính sách làm thức dậy tiềm năng du lịch. Du lịch Ninh Bình đang có bước phát triển mạnh, với đa dạng các loại hình, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh, tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu du lịch Vân Long, suối khoáng nóng Kênh Gà... Lượng du khách đến với Ninh Bình tăng nhanh hàng năm, doanh thu cao, đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Khẳng định điều này, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế cho rằng: 3 năm trở lại đây, du lịch Ninh Bình đã có sự khác biệt hoàn toàn về diện mạo cũng như sự phát triển về "chất". Ninh Bình đã có quy hoạch tốt về du lịch và đang triển khai thực hiện đúng, hiệu quả theo quy hoạch.
Du lịch được quan tâm đầu tư với sự "vào cuộc" của cả hệ thống chính trị, cụ thể là việc ban hành và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này như Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, biểu hiện qua việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng làm du lịch tại các khu, điểm như Tam Cốc - Bích Động, Vân Long. Bên cạnh đó, Du lịch Ninh Bình đã bắt đầu đi sâu khai thác tiềm năng, tạo ra sản phẩm độc đáo, ấn tượng như Khu văn hóa tâm linh Bái Đính. Các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực này đam mê và khát khao làm du lịch, tạo ra sự đa dạng trong "cách" phục vụ du khách, nhất là dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, resort cao cấp, trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí.
Cùng quan điểm này, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chia sẻ: Du lịch Ninh Bình đang phát triển đúng, trúng hướng và từng bước thực hiện xã hội hóa trong cách làm du lịch, tạo ra nhiều kết quả khả quan.
Tuy nhiên, du lịch Ninh Bình cũng cần thẳng thắn nhìn nhận lại những vấn đề còn bất cập để tập trung khắc phục và phải lấy những bài học "nóng hổi" từ các địa phương khác để rút kinh nghiệm, đó là việc thực hiện nếp sống văn minh du lịch như ngăn chặn hiện tượng chèo kéo khách mua hương hoa, xin tiền bo, chụp ảnh, chở xe ôm...; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp... Du lịch Ninh Bình như "Một nàng công chúa ngủ trong rừng" mới được đánh thức, bởi vậy ngay từ đầu phải có cách làm bài bản, khoa học, từ công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý Nhà nước, đến việc đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến... Trong quá trình khai thác đó nếu không "nhặt sạn" thì thật khó có thể để du khách đến tham quan, vui vẻ mở "hầu bao", tạo dựng được thương hiệu trong và ngoài nước, cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững được.
Đối với công tác thông tin xúc tiến, quảng bá, Ninh Bình cần đẩy mạnh và làm đa dạng nội dung, phong phú hình thức tuyên truyền trong, ngoài nước để thu hút du khách, nhất là tập trung khai thác thị trường nhiều tiềm năng như Tây Âu.
Theo ông Phùng Văn Khải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch thể thao Việt Nam, người đã từng nhiều năm theo đuổi nghề làm du lịch, đã có rất nhiều lần trực tiếp giới thiệu với khách Quốc tế về các điểm danh thắng, di tích của Ninh Bình, thì Ninh Bình cần hướng đến thị trường trọng điểm như: Pháp, Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật, úc, Đông Bắc á, Newzeland..., vì đối tượng khách này rất quan tâm đến Việt Nam, không chỉ về thắng cảnh mà còn về giá trị văn hóa, lịch sử, con người. Nhưng để sản phẩm "bán được tiền" thì cần có các dịch vụ hoàn hảo ở các khu, điểm, mà điểm này thì Ninh Bình vẫn còn thiếu. ở một số điểm du lịch mới như Thung Nham - Thung Nắng, động Thiên Hà còn hoang sơ, vì vậy dễ tạo cho du khách cảm giác chưa được phục vụ.
Bên cạnh đó, du lịch Ninh Bình cần phải có sự liên kết vùng, nhất là với tam giác tăng trưởng du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng để có sự điều tiết lượng khách. Hà Nội là cửa ngõ để đón tiếp và phân phối khách quốc tế về các địa phương, trong khi Ninh Bình là tỉnh nằm cận kề, cần phải có sự khai thác tối đa lợi thế này. Đồng thời, quan tâm phối hợp với các hãng lữ hành, có cơ chế ưu tiên thành lập các doanh nghiệp lữ hành Quốc tế trên địa bàn (ý kiến của ông Phan Đức Huấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam).
Riêng đối với sản phẩm du lịch, một số nhà quản lý cho rằng, du lịch Ninh Bình đã có sự độc đáo, nhưng vẫn cần tạo đặc sắc riêng cho từng sản phẩm, tránh trùng lắp, đơn điệu giữa các tuor, tuyến, điểm. Ví như các Khu du lịch Vân Long, Tam Cốc - Bích Động, Tràng An... cùng là loại hình sinh thái, ngồi thuyền du ngoạn trên sông nước, nếu như tại mỗi điểm có những hoạt động khác được bố trí đan xen vào giữa các tuyến khi khách dừng chân như nghe những làn điệu chèo, hát xẩm của nghệ nhân tại địa phương biểu diễn, hoặc tổ chức cho khách giải trí như câu, đánh bắt cá... sẽ hấp dẫn hơn với du khách. Ngoài ra, phải chú ý chỉn chu một số dịch vụ kèm theo với những quy định cụ thể như dịch vụ lưu trú, các nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, chèo đò, bán hàng lưu niệm...
Thanh Thủy