Nếu như năm 2016, Ninh Bình đón 6,44 triệu lượt khách, thì năm 2017 đón gần 7,06 triệu lượt khách du lịch, tăng gần 9%, gấp 2 lần so với năm 2012. Lượng khách quốc tế đến Ninh Bình đạt gần 900 nghìn lượt. Doanh thu toàn ngành Du lịch đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2016.
Có thể khẳng định, du lịch Ninh Bình đang đi đúng hướng và có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm đến đặc sắc trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đồng chí Bùi Thành Đông, TUV, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ với chúng tôi: Có được kết quả ấn tượng trên, trong những năm qua tỉnh Ninh Bình luôn xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Ngành Du lịch luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020.
Một điều dễ nhận thấy đó là, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư không chỉ chú trọng gia tăng số lượng các cơ sở lưu trú mà còn quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ ở hầu hết các dịch vụ kèm theo. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh Ninh Bình có 463 cơ sở lưu trú, trong đó có 3 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, 28 khách sạn 2 sao và 24 khách sạn 1 sao và gần 140 cơ sở homestay ở nhiều địa phương.
Trong năm, nhiều khu, điểm du lịch mới ra đời, nhiều công trình, điểm đến du lịch mới được hình thành với nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ giải trí được đưa ra phục vụ khách du lịch. Nếu như những năm trước đây, phần đông khách du lịch đi trong ngày, tỷ lệ khách lưu trú thấp hoặc lưu trú ngắn ngày, thì năm 2017, số khách đến các cơ sở lưu trú đã đạt 773 nghìn lượt, tăng 39% và số ngày lưu trú qua đêm đã tăng 41% so với năm 2016...
Anh Đoàn Minh Thành, Phó Giám đốc điều hành Khách sạn Hoàng Sơn Peace chia sẻ: Trong năm 2017, khách sạn đã đưa vào sử dụng 214 phòng nghỉ (tăng hơn 60 phòng) với nhiều hạng phòng đa dạng, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Bên cạnh đó, Khách sạn Hoàng Sơn Peace đã đưa vào hoạt động Trung tâm Tiệc cưới và hội nghị White Palace với các phòng tiệc lớn, nhỏ với tổng sức chứa lên đến 3.000 thực khách. Trong năm, Khách sạn đưa vào vận hành trung tâm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp (massage-sauna), khu teambuiding để tổ chức các trò chơi, cắm trại, đốt lửa... hoạt động ngoài trời, phục vụ nhu cầu của du khách đi theo nhóm đông người.
Trong năm, nhiều khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đưa thêm sản phẩm du lịch vào khai thác, phục vụ du khách. Nhiều tour, tuyến du lịch mới mở đã tạo được sự hấp dẫn, thu hút du khách, như: trải nghiệm Bái Đính về đêm, Tuyệt tịnh Cốc, Về với Cố đô ngàn lau, thăm Phim trường Kong: Skull Island…
Đại diện Công ty cổ phần truyền thông du lịch Việt cho biết, sau khi bộ phim Kong: Skull Island được công chiếu (tháng 3/2017), có nhiều du khách trong và ngoài nước ngỏ ý muốn đi tour này nên đơn vị đã thiết kế lại tour cho du khách có nhiều thời gian tham quan các điểm đến có các cảnh quay trong phim.
Theo đó, Công ty đã tổ chức đưa vào giới thiệu, chào bán cho du khách tour Hà Nội - Yên Tử, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - Tràng An, Chùa Bái Đính (Ninh Bình) với thời gian 4 ngày, 3 đêm khá thành công. Bắt nhịp cùng xu hướng đó, cùng với việc tái hiện lại phim trường, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã mở tuyến du lịch mới, kết nối các điểm Hành cung Vũ Lâm - hang Lấm - suối Tiên - phim trường Kong đã tạo hiệu ứng tích cực. Bằng chứng là số lượng du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Ninh Bình đã tăng 20% so với năm 2016.
Du lịch tăng trưởng mạnh kéo theo nhu cầu nhân lực đã tạo ra nhiều việc làm mới cho xã hội, với trên 18 nghìn lao động, trong đó có 4.200 lao động trực tiếp, 13.800 lao động gián tiếp. Trước yêu cầu phát triển lên tầm cao mới, sức ép cạnh tranh và hội nhập, du lịch Ninh Bình đã và đang tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp trong đội ngũ quản lý, nhân viên phục vụ và người dân tham gia làm du lịch.
Các giải pháp thúc đẩy đào tạo, phát triển nguồn nhân lực từng bước được giải quyết. Đầu tư vào nhân lực tiếp tục được quan tâm kể cả từ góc độ nhà nước cho tới doanh nghiệp. Trong năm có trên 2.000 lao động của các doanh nghiệp, khu, điểm du lịch được đào tạo mới, đào tạo lại bằng việc dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, sơ cấp nghề, như: kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn viên, nghiệp vụ lễ tân, buồng, bar, bếp, nhà hàng, đội ngũ chụp ảnh, lái xe điện, chèo đò… Qua đó góp phần nâng cao kỹ năng nghề cho lao động và nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững cho những người đang tham gia trực tiếp hoạt động du lịch tại các địa phương.
Ninh Bình là vùng đất có nhiều tiềm năng nổi trội để phát triển du lịch. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân, sự nỗ lực cố gắng của ngành và doanh nghiệp, những điểm yếu hiện tại của du lịch Ninh Bình sẽ từng bước được khắc phục, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh và bền vững.
Minh Đường