Nhộn nhịp du xuân
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay từ chiều mùng 1 Tết Giáp Ngọ, chùa Bái Đính đã có hàng nghìn người đến tham quan, chiêm bái. Những ngày sau đó, số người đến Bái Đính càng đông. Đỉnh điểm là ngày 5-2, tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch, hàng vạn du khách thập phương đã về hành hương, dự lễ hội chùa Bái Đính, tham quan và lễ Phật...
Từ đầu giờ sáng ngày 5-2, tức ngày 6 tháng Giêng, tại khu vực cổng chính chùa Bái Đính tiếng trống đã rộn vang chào đón du khách thập phương và các đoàn đại biểu về dự lễ. Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam á...
Sở hữu một không gian rộng lớn, lễ hội chùa Bái Đính thu hút đông du khách tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa thượng ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo.
Du khách thập phương hành hương về đất Phật những ngày đầu năm vừa để thắp hương cầu may mắn, bình an… vừa thưởng ngoạn không gian cảnh chùa lớn nhất Đông Nam á. Đáng ghi nhận là trong số rất đông du khách trẩy hội Bái Đính, có không ít du khách quốc tế. Họ đi thành từng đoàn và tỏ ra rất ngưỡng mộ cảnh quan, sự bề thế của chùa Bái Đính.
Gặp gia đình chị Lê Thị Duyến ở Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội tại sân điện Tam Thế, chị cho biết: Mấy năm gần đây, năm nào gia đình chị cũng hành hương về Bái Đính vào dịp khai hội. Chị quê gốc Ninh Bình, nên gia đình chị coi đây là dịp thăm quê đầy ý nghĩa, không chỉ để vãn cảnh chùa, lễ Phật cầu may mà còn để chứng kiến không khí sôi động những ngày đầu xuân và sự đổi mới của quê hương Ninh Bình. Chị cảm thấy thật sự hãnh diện vì quê hương ngày càng được nhiều người biết đến.
Trong chuyến hành trình du xuân đầu năm về với đất Phật sẽ không thể hoàn thiện nếu du khách không đến thăm Khu du lịch sinh thái Tràng An. Bến thuyền Tràng An trong những ngày này liên tục diễn ra cảnh hết thuyền do số người đến tham quan quá đông. Chị Hoàng Thị Thanh (Hà Nội) nói: Đoàn chúng tôi đã chờ từ sáng đến giờ mới lên được thuyền. Mặc dù rất đông, chờ đợi khá mệt mỏi, nhưng là lần đầu đến đây nên ai cũng quyết tâm để được ngắm Tràng An, di sản thế giới tương lai của Việt Nam.
Nếu như Chùa Bái Đính là một công trình thờ tự Phật giáo linh thiêng thì Tràng An là một khu du lịch sinh thái mang đậm dấu ấn của lịch sử, đây thực sự là những nơi lý tưởng để đến, để tâm tưởng, để tìm thấy sự an lành thư thái, thong dong, hạnh phúc. Chị Lữ Thị Ngọc (Đô Lương, Nghệ An) nói: Đây là lần thứ 2 tôi trở lại Bái Đính. Mỗi lần trở về Bái Đính, tôi luôn cảm nhận được nét linh thiêng, trầm mặc, hoang sơ. Lễ Phật xong được đi thăm cảnh Tràng An cảm thấy thư thái rất nhiều.
Văn minh lễ hội
Có mặt tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư vào ngày mùng 5 Tết, chúng tôi đã cảm nhận được sự nhộn nhịp của nơi đây bởi dòng người, xe đến và đi. Trong dòng người đông đúc ấy chúng tôi gặp đoàn khách du lịch Hàn Quốc lần đầu đến Cố đô Hoa Lư. Người hướng dẫn viên của đoàn cho biết, qua các phương tiện truyền thông, họ biết đến Tết cổ truyền dân tộc độc đáo của người Việt Nam, biết đến Ninh Bình với quần thể di tích, danh thắng đặc sắc đang là ứng cử viên của di sản thế giới. Đó là lý do họ vượt cả nghìn km đến Việt Nam, về Ninh Bình tham quan. Trước khi thăm Cố đô Hoa Lư, họ đã đến thăm Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, Vân Long. Anh cũng cho biết: Du lịch Ninh Bình mấy năm gần đây phát triển rất nhanh, nhiều du khách đặt tour ngắn đều tìm điểm đến là Ninh Bình. Vì ngoài việc Ninh Bình sở hữu một quần thể danh thắng hùng vĩ thì du lịch Ninh Bình so với các tỉnh phía Bắc có sự đổi mới, văn minh, lịch sự hơn, điều này khách du lịch nước ngoài rất thích. Đặc biệt năm nay số người ăn xin, đeo bám tại các điểm du lịch đã giảm đáng kể.
Điều vui nhất trong chuyến hành hương mùa xuân năm nay là chúng tôi cảm nhận được sự mới mẻ và trật tự văn minh tại các điểm du lịch. Đặc biệt tại Bái Đính năm nay không còn hiện tượng "vượt rào", hiện tượng đặt tiền lẻ lên các pho tượng, ăn xin, bán hàng dong giảm đáng kể. Ông Phạm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Sinh khẳng định: Năm nay xã kiên quyết siết chặt công tác quản lý an ninh trật tự khu vực chùa Bái Đính, hạn chế đến mức tối đa các hiện tượng làm mất đi hình ảnh linh thiêng của lễ hội, gây phiền nhiễu đến du khách. Thành lập các đội tự quản hướng dẫn viên du lịch, bán hàng, xe ôm, coi xe…để mọi người tự giám sát và nhắc nhở nhau khi có những biểu hiện không văn minh tại lễ hội.
Có thể khẳng định, những tín hiệu đáng mừng của du lịch Ninh Bình những ngày đầu năm không phải là điều hiển nhiên, mà đó là những kết quả từ sự chuyển biến của ngành du lịch Ninh Bình trong thời gian qua. Đó không phải là sự thay đổi nhanh chóng trong một sớm một chiều để có thể nhìn thấy ngay, mà là những chuyển động từng bước nhưng chắc chắn bền vững.
Bài, ảnh: Xuân Trường