Được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của tỉnh, sự giúp đỡ của văn phòng khí sinh học Trung ương và sự hưởng ứng nhiệt tình tự nguyện của người dân… ngay trong năm 2006 (năm đầu tiên tỉnh nhà tham gia chương trình dự án khí sinh học), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thành công 300 công trình khí sinh học bao gồm: Huyện Yên Mô 65 công trình, thị xã Tam Điệp 55 công trình, thành phố Ninh Bình 65 công trình, huyện Gia Viễn, Nho Quan mỗi nơi 60 công trình. Năm 2011, toàn tỉnh thực hiện được 500 công trình, trong đó: Yên mô 120 công trình, Kim Sơn 100 công trình... Như vậy, kể từ khi tỉnh nhà tham gia thực hiện dự án khí sinh học, đến nay đã có khoảng 4.200 công trình khí sinh học được thực hiện thông qua kênh của Trung tâm Khuyến nông tỉnh mà đại diện là văn phòng dự án khí sinh học tỉnh. Theo kết quả kiểm tra của văn phòng khí sinh học Trung ương tại 700 công trình (trong đó có 18 công trình đang xây dựng) cho biết: Nhìn chung các công trình khí sinh học xây dựng trên địa bàn tỉnh đều theo đúng thiết kế: KT1, KT2. Về cơ bản các thông số kỹ thuật của các công trình đều đạt yêu cầu, đảm bảo chất lượng, công trình sinh khí tốt đưa vào hoạt động có hiệu quả cao. Kỹ thuật viên đã làm tốt công tác kiểm tra chất lượng công trình theo yêu cầu của dự án.
Để có được kết quả này, Văn phòng khí sinh học tỉnh đã phối hợp với khuyến nông viên cấp xã, các Hội Nông dân, Phụ nữ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm lồng ghép tuyên truyền cho hơn 4.000 người. Đồng thời cử cán bộ đi đào tạo lớp kỹ thuật viên do Văn phòng khí sinh học Trung ương mở. Tập huấn nâng cao năng lực cho các đội thợ xây với 26 người của 8 huyện, thành phố, thị xã. Tổ chức các lớp tập huấn cho người sử dụng công trình và ứng dụng phụ phẩm khí sinh học…
Công trình khí sinh học mà nhiều người vẫn gọi là xây dựng hầm biogas là một tiến bộ trong khoa học, công nghệ có ý nghĩa về mặt kinh tế cũng như xã hội, tận dụng được nguồn khí sinh học, tạo ra năng lượng phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày: Đun nấu, thắp sáng, chạy máy phát điện… Đặc biệt, công trình góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường (nhất là ở các hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn, số lượng vật nuôi nhiều), bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng. Phụ phẩm của công trình (nước thải, bã) có thể dùng tưới, bón cho cây trồng rất tốt mà không sợ bị ô nhiễm.
Tuy nhiên, để có được công trình, ngoài sự nhiệt tình, ủng hộ của người dân thì hộ tham gia dự án phải có đủ điều kiện: chăn nuôi ổn định, nguồn phế thải do gia súc, gia cầm thải ra hàng ngày ít nhất đạt 20 kg/ngày; có diện tích mặt bằng thích hợp để xây dựng công trình; tự nguyện cải tạo nhà vệ sinh, nhà bếp, chuồng trại chăn nuôi sao cho hợp lý và đồng bộ với công trình khí sinh học; có nguồn tài chính đối ứng…
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh: So với các địa phương trong tỉnh, Yên Mô là huyện đã xây dựng được nhiều công trình khí sinh học nhất bởi đội ngũ thợ xây của huyện có tay nghề (khéo và cẩn thận), nhân dân lại được tuyên truyền và thấy được lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của việc làm này. Ông Phùng Văn Khoa, thôn Phúc Lại 2, xã Yên Từ (Yên Mô) cho biết: Nhằm phát triển kinh tế, gia đình nấu rượu và chăn nuôi lợn, gà. Mỗi lứa nuôi từ 30-40 con lợn thịt và hàng trăm con gà. Một năm nuôi từ 3-4 lứa lợn. Với tình hình chăn nuôi như vậy thì lượng phế thải là rất lớn, đã từng gây mùi khó chịu trong gia đình và hộ dân xung quanh. Nhờ có dự án, ngay từ năm 2006, gia đình đã xây được công trình khí biôgas với diện tích bể là 14,6 m3. Toàn bộ phế thải trong chăn nuôi và sinh hoạt trong gia đình đều được đưa xuống bể chứa, giải quyết được tình trạng mùi hôi thối, đảm bảo sức khỏe cho mọi người trong gia đình và các hộ xung quanh. Phế thải dưới hầm sinh ra khí gas, phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình như: nấu cám, nấu rượu, thắp sáng… Mỗi tháng, gia đình cũng tiết kiệm được từ 500.000-600.000 đồng tiền chi cho chất đốt.
Theo đồng chí Phạm Thị Bốn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Mới đây tại thành phố Huế, Cục Chăn nuôi, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đã mở hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012. Ninh Bình là một trong số các tỉnh, thành triển khai thực hiện chương trình khá thành công và được nhận giải nhì toàn quốc. Năm 2012, tỉnh ta sẽ triển khai thực hiện tiếp 500 công trình về lâu dài mức hỗ trợ có thể thay đổi và việc xây hầm biogas bằng gạch, xi, cát có thể thay thế bằng vật liệu nhựa có sẵn. Để đạt được kế hoạch này thì công tác thông tin tuyên truyền cần tiếp tục đẩy mạnh, làm cho nhiều người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng công trình khí sinh học. Đào tạo, bổ sung đội ngũ kỹ thuật viên, thợ xây cho các công trình khí sinh học. Tổ chức xây dụng mô hình ứng dụng phụ phẩm của công trình khí sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Trường Sinh