Trung tâm học tập cộng đồng cũng là địa điểm sinh hoạt của các tổ chức quần chúng như: Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh… và các câu lạc bộ. Mô hình Trung tâm học tập cộng đồng từ khi thành lập đến nay luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, duy trì và thúc đẩy hoạt động, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương.
Đây là mô hình được Dự án cải cách hành chính (CCHC) tỉnh giai đoạn II quan tâm đầu tư nhằm mục đích nâng cao năng lực cung cấp thông tin hai chiều cho người dân của Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã thí điểm. Qua đó góp phần hỗ trợ thực hiện các mô hình thí điểm có sự tham gia của cộng đồng để giảm nghèo, thực hiện bình đẳng giới và dân chủ ở cơ sở, là mục tiêu mà Dự án CCHC giai đoạn II hướng tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn trong tỉnh thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại: cơ sở vật chất và vốn đầu tư ban đầu hạn chế, phần lớn Trung tâm học tập cộng đồng không có địa điểm sinh hoạt riêng, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và điều hành chưa cao, chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên, kinh phí hoạt động phụ thuộc vào khả năng của cơ sở…
Theo đánh giá, xếp loại của Sở Giáo dục - Đào tạo tại báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng", mới chỉ có 39,1% trung tâm xếp loại tốt, 39,4% xếp loại khá, 22,4% xếp loại trung bình và 6,12% xếp loại yếu. Với mục tiêu của Dự án CCHC tỉnh giai đoạn II là thực hiện CCHC gắn với giảm nghèo, dân chủ cơ sở và bình đẳng giới, tăng cường năng lực cho chính quyền cơ sở, xây dựng các mô hình có sự tham gia của cộng đồng…
Dự án CCHC đã giúp Trung tâm học tập cộng đồng các xã thí điểm chủ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thông qua các giải pháp tăng cường năng lực như: đa dạng hóa, làm mới, phong phú các loại hình học tập, quan tâm các hoạt động phổ cập và phối hợp tốt với hoạt động học tập của các ngành, đoàn thể địa phương, kết hợp giáo dục cộng đồng với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, có sự hỗ trợ cần thiết với các gia đình khó khăn khi tham gia học tập...
Trên cơ sở đặc thù của từng đơn vị tham gia thực hiện dự án, Dự án CCHC tỉnh đã hỗ trợ các đơn vị theo các nội dung khác nhau: mô hình phổ biến pháp luật tại: xã Cúc Phương (Nho Quan), Kim Tân (Kim Sơn), Ninh Khang (Hoa Lư), Gia Hòa (Gia Viễn), mô hình cộng đồng tham gia xóa đói, giảm nghèo ở xã Thạch Bình (Nho Quan) và mô hình cộng đồng tham gia quản lý đô thị tại phường Nam Sơn (thị xã Tam Điệp).
Được sự hỗ trợ từ Dự án CCHC tỉnh, Trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường thí điểm được trang bị máy tính, máy in, máy photocopy, chi phí mua mực in, mực photo, giấy in…
Sinh hoạt của CLB "Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo" tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Thạch Bình (Nho Quan)
Đối với các xã thí điểm, có trách nhiệm bố trí phòng làm việc cho Ban điều hành trung tâm, đảm bảo bàn ghế cho cán bộ làm việc và phục vụ nhân dân… Để các Trung tâm hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả theo yêu cầu của Dự án, UBND các xã đã ban hành quyết định thành lập Ban điều hành Trung tâm thông tin thuộc Trung tâm học tập cộng đồng gồm 5 thành viên. Trung tâm thông tin hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của dự án: cung cấp thông tin 2 chiều cho các tổ chức và nhân dân, tư vấn trực tiếp tại Trung tâm, hỗ trợ theo yêu cầu của các đoàn thể, CLB…
Bên cạnh đó, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã có đơn vị thực hiện thí điểm có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường thực hiện đề án khai thác, cung cấp, sử dụng thông tin đúng mục đích, chính xác, kịp thời, đầy đủ, cung cấp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ các thông tin thuộc lĩnh vực, ngành phụ trách.
Do có sự chuẩn bị chu đáo và chỉ đạo sâu sát của Dự án CCHC tỉnh và các sở, ngành liên quan, việc triển khai hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng ở 6 đơn vị thí điểm đã đi vào nền nếp, hiệu quả. Đặc biệt, các nguồn thông tin cung cấp đến nhân dân địa phương được đa dạng, phong phú, đủ các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, pháp luật, chăn nuôi, trồng trọt…
Hiện nay, nguồn thông tin được cung cấp từ Trung tâm học tập cộng đồng không còn đơn điệu, sơ sài, cũ như trước, mà thay vào đó các tài liệu được cập nhật thường xuyên từ mạng Internet, từ mạng lưới cộng tác viên, từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, của huyện… nên đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức và cải thiện các tập quán sinh hoạt, đời sống, sản xuất của người dân, trang bị thêm cho người dân kiến thức, kinh nghiệm trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Đồng thời, nguồn thông tin đa dạng còn góp phần cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương, góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Mới chỉ "khởi động" trong khoảng thời gian chưa dài, mô hình Trung tâm học tập cộng đồng có sự hỗ trợ của Dự án CCHC tỉnh đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân các xã: Cúc Phương, Kim Tân, Gia Hòa, Thạch Bình... Đây là mô hình cần tiếp tục được quan tâm và nhân ra diện rộng để có thêm nhiều người dân, nhất là nhân dân các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi được tiếp cận với nguồn thông tin phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa...
Tin vui từ Ban quản lý Dự án CCHC tỉnh cho biết: Từ nay đến cuối năm 2009, Dự án CCHC tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các điều kiện để tăng cường năng lực cho Trung tâm học tập cộng đồng mỗi huyện, thành phố, thị xã một đơn vị.
Bài, ảnh: Bùi Diệu