Những năm đầu tiên khi mới tách tỉnh, đa số ngành nghề trên địa bàn tỉnh ta đều kém phát triển. Sản xuất nông nghiệp là chính, thế nhưng, ngay với sản xuất nông nghiệp, thời gian nông nhàn cũng chiếm tới 40%. Còn ở thành thị, số lao động trong độ tuổi không có việc làm cũng tăng cao. Từ thực tiễn ấy, bắt đầu từ năm 1995, nhiều chương trình phục vụ đẩy nhanh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... đã được triển khai. Trong đó đào tạo nghề, giải quyết việc làm là công tác được triển khai từ rất sớm. Đến năm 1997, toàn tỉnh đã có 27 cơ sở đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã tăng lên 14,5%, tỷ lệ lao động đã đào tạo nghề là 10,3%. Năm 2000, tỉnh đã có trên 30 trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề. Mỗi năm, các cơ sở này đã đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động, nâng tỷ lệ lao động toàn tỉnh đã qua đào tạo lên 19%, đào tạo nghề là 14%. Đặc trưng đào tạo lao động trong giai đoạn này là sự tham gia đa dạng của các tổ chức, các loại hình. Hàng năm, số lượng học sinh của các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh tăng từ 15 - 20%. Giai đoạn 1997 -2001, số học sinh được đào tạo từ 24 - 36 tháng tại 3 trường dạy nghề của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh là 1.825 người. ở cấp địa phương, có 9.977 học sinh được đào tạo ngắn hạn tại các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, LĐLĐ, Hội phụ nữ, Bộ CHQS tỉnh...
Cùng với đó là khoảng 12.000 - 15.000 người mỗi năm được đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp sản xuất... Chất lượng đào tạo tại các trường nghề và trung tâm dịch vụ việc làm từng bước được nâng cao, vì được đổi mới cả về công tác tuyển sinh và phương pháp giảng dạy, đào tạo. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt từ 25-30%, có trên 80% số học sinh học nghề tốt nghiệp ra trường đều tìm được việc làm.
Nhờ những nỗ lực ấy, trong giai đoạn khó khăn khi tái lập tỉnh, công tác đào tạo nghề đã từng bước đáp ứng, phục vụ được yêu cầu về nhân lực của nền kinh tế. Từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Quan trọng hơn là nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của người lao động đối với vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề.
Hơn thế, nguồn lao động qua đào tạo đã góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình việc làm, chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh sự phát triển, khôi phục và mở rộng các làng nghề truyền thống của địa phương như: nghề chiếu cói ở Kim Sơn, Yên Khánh, mộc dân dụng ở Ninh Phong (thành phố Ninh Bình), thêu ren ở Ninh Hải (Hoa Lư), đá mỹ nghệ ở Ninh Vân (Hoa Lư), mây tre đan ở Gia Viễn, Yên Mô… Từ nền tảng ấy, mỗi năm đã có hàng chục doanh nghiệp ra đời và tham gia sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu. Từ đó gia tăng hiệu quả, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở tỉnh ta.
Tuy nhiên, nhìn chung những năm đầu của thế kỷ XXI, lực lượng lao động ở tỉnh ta vẫn ở tình trạng dôi dư, với một bộ phận không nhỏ chưa qua đào tạo nên chất lượng lao động thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH. Vấn đề bức xúc đặt ra là phải đẩy nhanh tốc độ tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập cho người lao động. Từ đây, một loạt giải pháp phát triển nhanh các cơ sở dạy nghề đã được thực hiện.
Theo đó, điều kiện giảng dạy và học tập tại các cơ sở dạy nghề toàn tỉnh đã từng bước được bảo đảm, nâng cao chất lượng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hai vấn đề này được "xử lý" thông qua việc xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đã tăng lên, đạt bình quân từ 18-20%. Hoạt động dạy nghề đã từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Từ năm 2001, các trường dạy nghề đã tuyển sinh tăng từ 15-20%, đào tạo nghề cho 18.000 người, cấp trên 1.800 bằng nghề và gần 3.000 chứng chỉ nghề. Tuy nhiên, kết quả điều tra lao động việc làm vào tháng 7/2001 vẫn cho thấy, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,5%, tỷ lệ lao động thiếu việc làm trên 8,7%, tỷ lệ thời gian lao động thực tế ở nông thôn mới đạt 74%.
Một giải pháp được đưa ra ở đây là vốn. Năm 2001 đã có gần 11 tỷ đồng được cho vay, để tạo việc làm cho gần 6.000 lao động, tức là chiếm trên 35% tổng số lao động được giải quyết việc làm trong năm 2001 (15.000 người). Cũng trong năm này, chương trình việc làm giai đoạn 2001-2005 đã được hoàn thiện. Từ giữa năm 2002, Hội thi tay nghề toàn tỉnh và Hội chợ việc làm đã được tổ chức và duy trì đều đặn hàng năm.
Những sự kiện này đã mở hướng đi tích cực, tạo cơ hội cho người lao động tìm việc làm cả trong và ngoài tỉnh. Từ các sự kiện này, hàng trăm doanh nghiệp, hàng chục nghìn người đã tìm được vị trí, công việc phù hợp. Đến năm 2005, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở thành thị tiếp tục giảm mạnh, tỷ lệ sử dụng quỹ thời gian lao động ở khu vực nông thôn tăng lên gần 77%. Đó là sự thay đổi triệt để so với 5 năm trước.
Trong 5 năm (2005-2010), Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm trên 50 tỷ đồng. Hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm được đẩy mạnh. Với khả năng hàng năm thu hút và tạo việc làm mới cho gần 18.000 lao động. Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch nhanh và theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động trong khu vực dịch vụ tăng lên đáng kể, từ 13% (năm 2005) tăng lên 19% (năm 2010).
Tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp giảm từ 69% (năm 2005) xuống còn 51% (2010). Đến năm 2010, dự án sàn giao dịch việc làm đã được tỉnh triển khai và hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, việc triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) đã tạo được dấu ấn, có ý nghĩa lớn trong nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh.
Với nỗ lực phối hợp tuyên truyền, triển khai của các cấp, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã dạy nghề cho 118.102 lượt người, trong đó dạy nghề dài hạn cho gần 35 nghìn người, dạy nghề ngắn hạn cho trên 83 nghìn người. Những nghề ngắn hạn tập trung vào các nghề may công nghiệp, xây dựng, điện tử, hàn cơ khí, móc sợi, đính hạt cườm, đan cói bèo bồng, thêu ren… Nhờ đó, cơ cấu nghề đã có chuyển biến tích cực, số lượng lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp đã tăng dần. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 70-80%, mức thu nhập từ 700.000 - 3.000.000 đồng/người/tháng.
Kết quả này còn góp phần tăng nhanh số lượng các làng nghề, từ 32 làng nghề (năm 2009) lên 52 làng nghề như hiện nay. Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề mà từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 120 nghìn lượt lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,6% (năm 2010) xuống còn 6% (năm 2016) theo tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều.
Đào Hằng