Chị Nga cho biết: Được vay vốn giảm nghèo 25 triệu đồng, vợ chồng tôi mua bò chăn nuôi, kết hợp chăn nuôi thêm gà, lợn; làm thêm mấy sào ruộng, thời kỳ nông nhàn, anh chị tìm thêm những việc lao động công nhật, thời vụ để làm thêm kiếm đồng ra đồng vào. Nhờ sự cần cù, chịu khó, biết tính toán làm ăn, năm 2012 gia đình chị Nga đã thoát nghèo. Cuộc sống đã bước sang trang mới, niềm vui xây được nhà mái bằng kiên cố là động lực để anh chị tiếp tục đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình tích lũy nuôi các con ăn học. Cũng như gia đình chị Nga, gia đình chị Phạm Thị The là một trong 5 hộ nghèo ở thôn 3. Bố mẹ hai bên đều nghèo, anh chị xây dựng gia đình tài sản không có gì, lại liên tục sinh 3 đứa con, cuộc sống nhà nông càng thêm túng bấn, chồng chất khó khăn, anh chị trở thành hộ nghèo nhiều năm của thôn. Năm 2012, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn nước sạch, 33 triệu đồng, gia đình chị mua 1 con trâu, 1 con bò và vay mượn thêm của anh em, bạn bè mua thêm 1 con bò và đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi. Chị The cho biết, so với các con nuôi khác, nuôi trâu, bò tuy vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng thức ăn hàng ngày không đòi hỏi nhiều gia đình chỉ mất công sức chăn thả, chăm sóc và các con anh chị, ngoài thời gian đi học có thể thay nhau chăn trâu, bò giúp đỡ cha mẹ. Hiện đàn trâu, bò của gia đình phát triển rất tốt, anh chị tin chắc từ đàn trâu, bò và gần 1 mẫu ruộng sẽ giúp gia đình thoát nghèo trong thời gian tới. Mong muốn của chị The là những hộ gia đình nghèo như chị được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi nhiều hơn nữa, với thời gian lâu hơn nữa (hiện chỉ được vay trong 3 năm) để những gia đình nghèo có thêm vốn đầu tư kinh doanh hoặc chăn nuôi.
Đồng chí Đỗ Đức Sáng, trưởng thôn 3, xã Đông Sơn cho biết: Thôn 3 có 214 hộ, đời sống người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, một số ít hộ đầu tư trồng đào, phần khác đầu tư chăn nuôi, trong đó chủ yếu là gia súc, gia cầm. Năm 2012, thôn có 6 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 5 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ khá và giàu của thôn khá cao, chiếm gần 70%. Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo, phần lớn là đông con, đất canh tác không có hoặc có ít, một số gia đình neo đơn, bệnh tật… Với những đối tượng này, chính quyền thôn luôn tạo điều kiện giúp các hộ có nhu cầu được vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế; tổ chức cho người dân đăng ký theo học các lớp dạy nghề của xã, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, các lớp tìm hiểu về ngành nghề, cây con…, giúp người dân tìm đúng hướng phát triển kinh tế, áp dụng hiệu quả vào chăn nuôi, trồng trọt. Hiện 4/5 hộ nghèo trong thôn đều được vay nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền từ 20-25 triệu đồng/hộ, đa số đầu tư nuôi trâu, bò, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, mong muốn của người dân cũng là mong muốn của đội ngũ cán bộ cơ sở là được vay số vốn cao hơn, dài hạn hơn, Bởi vì, đồng đất ở Đông Sơn rất phù hợp với chăn thả gia súc, người dân có vốn đầu tư chăn nuôi chắc chắn sẽ có lãi, phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn giảm nghèo, thoát nghèo bền vững…
Anh Đinh Công Tiến, cán bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xã Đông Sơn cho biết: Đông Sơn là xã có diện tích rộng, đông dân, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn thị xã Tam Điệp. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các tổ chức, đoàn thể trong xã đã năng động tìm nhiều giải pháp để giúp người dân thoát nghèo. Không chỉ tổ chức các lớp dạy nghề thêu, đan cói… cho những đối tượng lao động có nhu cầu; các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến biinh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đều đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho những gia đình nghèo, gia đình hội viên được vay vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện, trợ giúp kịp thời của các tổ chức, đoàn thể, các hộ nghèo cũng năng động tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp với gia đình mình. Thuận lợi của Đông Sơn là diện tích trồng đào lớn, người dân có kỹ thuật và tay nghề lâu năm, từ đó nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư giống, vốn trồng đào, có gia đình đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp, làm nghề phụ… Kết quả, năm 2012, xã có 100 hộ thoát nghèo, tiêu biểu như gia đình anh Lê Ngọc Đồng, thôn 9; chị Phạm Thị Nga, thôn 3; anh Phạm Duy Cẩn, thôn 3; anh Phạm Doãn Thìn, thôn 9… Năm 2013, số hộ nghèo của xã còn 130/2.011 hộ, chiếm 6,46% và hộ cận nghèo còn 120 hộ, chiếm 5,97%. Hiện Đông Sơn tiếp tục nắm bắt nhu cầu của các hộ nghèo để hỗ trợ, đầu tư giống, vốn, KHKT… giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, phấn đấu trong năm 2013 có từ 1,5-2% số hộ thoát nghèo và thực hiện giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Huy Hoàng