Ông Trần Xuân Cảnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tam Điệp cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, Hạt Kiểm lâm Tam Điệp đã cùng với người dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các hộ dân sinh sống tại thôn 12, xã Đông Sơn dày công nghiên cứu, tìm tòi các hướng phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững, kết hợp giữa công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng với cây trồng, con nuôi đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của người dân sống ven rừng, đồng thời hạn chế những tác động xấu đến môi trường rừng trên địa bàn.
Kết quả đến năm 2017, trên địa bàn thôn 12 đã có nhiều trang trại cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tiêu biểu như trang trại của gia đình ông Trịnh Văn Tiến. Trang trại được xây dựng trên diện tích gần 7 ha gồm cả mặt nước và diện tích đồi, được bao quanh bởi 25 ha rừng tự nhiên phòng hộ núi đá.
Ban đầu bằng nguồn vốn tự có của gia đình, toàn bộ các khoảng đất trống ven rừng, ông Tiến đưa vào nuôi một số con nuôi truyền thống như gà đồi, lợn rừng; tiếp đến đưa vào nuôi thêm các con nuôi đặc sản như nhím, hươu, nai, ngựa. Tận dụng diện tích hơn 3ha mặt nước, thả các loại cá: Trắm, trôi, mè, chép, chim…, nuôi trong thời gian dài, bán tự nhiên nên chất lượng thịt cá thơm, ngon.
Hiện trang trại con nuôi đặc sản của ông Tiến mỗi năm xuất bán hàng tấn sản phẩm con nuôi đặc sản các loại. Tổng doanh thu của trang trại mỗi năm đạt hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Việc nuôi các con nuôi đặc sản ven rừng phòng hộ núi đá có hàng rào bao quanh không những nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn góp phần bảo vệ diện tích rừng được giao khoán một cách hiệu quả, nhiều năm liền không xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng trên diện tích được giao khoán.
Tương tự như vậy, trang trại của ông Đỗ Hồng Cẩm, một cựu chiến binh lại được giao khoán 30 ha rừng tự nhiên phòng hộ. Cùng với diện tích hơn 10 ha bao gồm đất rừng sản xuất, đất vườn nhà và đất khai hoang, được sự tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của Hạt Kiểm lâm Tam Điệp và nguồn vốn tự có, gia đình ông Cẩm đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng an toàn, bền vững, kết hợp giữa trồng cây lâm nghiệp lấy gỗ như sưa đỏ, keo lai với cây ăn quả đặc sản như bưởi da xanh, cam Vinh, mít Tố Nữ xen canh với cây dược liệu sả, chè dưới tán cho hiệu quả cao cả về kinh tế và bảo vệ môi trường.
Hạt Kiểm lâm Tam Điệp cũng đã hướng dẫn gia đình ông đầu tư nuôi hươu tận dụng nguồn thức ăn từ lá mít, nuôi gà ri bản địa chạy đồi tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán. Hàng năm, gia đình ông xuất bán từ 500 đến 750 kg gà thịt; 0,5 đến 1 tấn thịt hươu thương phẩm và vài kg nhung hươu. Mỗi năm, trừ chi phí ông thu về từ 250 đến 300 triệu đồng.
Việc xây dựng những mô hình trang trại mẫu bảo vệ rừng, phát triển rừng kết hợp với con nuôi đặc sản của các gia đình ở thôn 12, xã Đông Sơn không những đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho bản thân các gia đình mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Đây thực sự là điểm sáng tiêu biểu cho mô hình phát triển nông, lâm nghiệp bền vững gắn liền với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đinh Chúc