Từ bao đời nay, người dân xã Đồng Phong chỉ quen với độc canh cây lúa, do vậy hiệu quả kinh tế không cao, với bài toán nâng cao thu nhập, cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây đã từng bước tháo gỡ khó khăn bằng việc quy hoạch ruộng đất nhằm khuyến khích các hộ nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, hiện nay xã Đồng Phong có khoảng 193ha diện tích đất nông nghiệp. Trong đó xã đã quy hoạch khoảng 60 % diện tích dân không trồng cấy cho doanh nghiệp thuê sản xuất tập trung các loại rau, củ, quả... xuất khẩu. Bước đầu mô hình này đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Ngay sau khi tích tụ ruộng đất, Đồng Phong đã chuyển đổi gần 12ha đất cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả. Ưu điểm của các loại cây trồng này là chỉ trồng 1 lần, cho thu hoạch liên tục trong 10 năm. Sau 2 năm sản xuất, bước đầu các mô hình đã khẳng định được hiệu quả và được nhân ra diện rộng.
Gia đình ông Bùi Xuân Trường, ở thôn Liêu Thượng là hộ tiên phong đi đầu cải tạo đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng ổi lê Đài Loan; qua thực tế trồng và chăm sóc, cây ổi đã tỏ ra thích nghi với chất đất ở địa phương, ít sâu bệnh, chi phí ban đầu thấp. Ông Trường, cho biết: Sau khi được cán bộ xã vận động đưa cây ổi vào trồng, gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng ổi.
Sau gần 1 năm thử nghiệm ổi đã cho thu hoạch, giá bán tại vườn từ 20.000- 25.000 đồng/kg, với 3 sào ổi, gia đình tôi thu được trên 40 triệu đồng, đặc biệt là ổi cho thu hoạch quanh năm. So với cấy lúa, giá trị, năng suất cao hơn gấp 3 lần, năm vừa rồi ổi được mùa lại được giá cao nên bà con rất phấn khởi.
Từ hiệu quả mô hình trồng ổi, hiện nay nhiều hộ nông dân ở Đồng Phong đã mạnh dạn cải tạo các vùng đất trũng, đất khô cằn đưa các loại cây ăn quả vào trồng như cam Cao Phong, chanh đào; ưu điểm của các loại cây trồng này là dễ trồng và chăm sóc, có khả năng chịu nhiệt tốt và kháng bệnh cao, năng suất và giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa.
Ông Trịnh Văn Thành phấn khởi cho biết: Sau năm vừa rồi chanh được mùa, được giá bà con phấn khởi, cây chanh bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, quy trình trồng và chăm sóc không vất vả. Với 1ha chanh cho năng suất trung bình mỗi năm khoảng 30 tấn quả với giá bán 10.000 đồng/kg thì mỗi năm thu nhập từ cây chanh cũng đạt 300 triệu đồng/ha.
Ông Bùi Phú Hào, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Phong, Nho Quan nói: Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Phong đã vận động bà con cải tạo vườn tạp, chuyển những diện tích cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả.
Đến nay các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa đã bước đầu khẳng định được hiệu quả trên đồng đất Đồng Phong, giúp bà con nơi đây nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời giúp địa phương lựa chọn được cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao để nhân ra diện rộng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với xã Đồng Phong là làm sao khai thác phát huy được những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang do tưới tiêu chưa tốt và số lao động nông nhàn do quá tuổi không thể vào các nhà máy, xí nghiệp. Để giải quyết bài toán này Đồng Phong đã quy hoạch 10% diện tích đất khu vực trũng thường xuyên bị ngập úng không thể cấy lúa, trồng màu để nuôi trồng thủy sản.
Hiện, mô hình chăn nuôi chuyên canh cá, quy mô 11ha, tập trung tại khu vực thôn Đồng Cối đã có chục gia đình tham gia. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Kình, có diện tích khoảng 1,5ha cho thu nhập bình quân 111 triệu đồng/ha/năm.
Đối với diện tích đất vùng cao, khô cằn không thuận lợi việc tưới tiêu xã chủ trương cho người dân thuê để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay toàn xã đã có 15 trang trại thực hiện chăn nuôi gia cầm. Trong đó có 2 trang trại nuôi gà thả vườn với số lượng lớn từ 5.000-6.000 con, doanh thu bình quân trên 100 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn từ 100-200 con, doanh thu ước đạt 150 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Trần Dự, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Phong cho biết: Là một xã trọng điểm về nông nghiệp của huyện Nho Quan, chính vì thế lấy nông nghiệp là trục chính trong phát triển kinh tế được chính quyền xã xác định sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu này, xã đã thống kê lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, sau đó phân loại đất, địa hình, từ đó quy hoạch các vùng chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt cho phù hợp.
Mặc dù thời gian thực hiện tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi của xã Đồng Phong mới diễn ra trong thời gian ngắn, song có thể khẳng định với cách làm năng động, Đồng Phong đang khẳng định được vai trò của xã nông thôn mới trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân và trở thành điểm sáng cho các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm