Đồng Hướng từ lâu đã được biết đến với 2 làng nghề chiếu cói tên tuổi là làng Đồng Đắc và Hướng Đạo với truyền thống trên 50 năm. Năm 2007, hai làng nghề này được UBND tỉnh công nhận là làng nghề cấp tỉnh. Mặc dù bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng nghề sản xuất chiếu, cói mỹ nghệ xuất khẩu ở Đồng Hướng thời gian qua vẫn được duy trì và phát triển, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi tới thăm gia đình chị Ngô Thị Liễu (xóm 13, Đồng Hướng), khi chị đang cặm cụi đan những chiếc giỏ theo đặt hàng của Công ty TNHH Đổi Mới. Chị Liễu cho biết: Hai cháu còn nhỏ không đi làm nhà máy được nên tôi ở nhà nhận hàng về đan, thu nhập hàng tháng cũng được 1-2 triệu đồng. Chị cho biết, ngày trước chưa gia công mặt hàng cói mỹ nghệ, gia đình gặp nhiều khó khăn, vì sản xuất nông nghiệp chỉ đủ ăn trong khi còn phải trang trải các nhu cầu sinh hoạt của gia đình, con em đi học cùng nhiều khoản chi khác. Còn tại cơ sở sản xuất chiếu cói của anh Đỗ Văn Phán, xóm 13, với 2 chiếc máy dệt chiếu, hiện cơ sở đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Anh Phán chia sẻ: Gia đình có nghề dệt chiếu từ lâu rồi nhưng trước đây chỉ làm thủ công, thu nhập chẳng đáng là bao, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2010 được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay vốn, tôi thành lập nên cơ sở này. Hiện nay, 1 tháng cơ sở của tôi sản xuất từ 1.000-1.500 đôi chiếu.
Để phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc phát triển các làng nghề truyền thống đã được tỉnh công nhận, Đồng Hướng đã xây dựng đề án phát triển các ngành nghề khác như: chế biến lương thực, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ, xây dựng, vận tải… Tạo điều kiện về vốn vay, giúp bà con cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Nhiều hộ đã đầu tư phát triển nghề, mở rộng quy mô sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác kiểu mới với khoảng 10-20 lao động. Các hộ này đầu tư vốn mua sắm máy móc, phương tiện, nguyên vật liệu cung cấp đầy đủ cho người lao động sản xuất, đồng thời thu gom sản phẩm. Người lao động thiếu vốn chỉ việc nhận nguyên liệu và phương tiện về sản xuất ngay tại nhà mình dưới hình thức ăn theo sản phẩm. Việc sản xuất không chỉ ở thời điểm nông nhàn, mà đã trở thành chuyên nghiệp, làm quanh năm.
Ông Phạm Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hướng cho biết: Xã có hơn 2.300 hộ với gần 9.000 khẩu, trong đó có trên 1.500 hộ tham gia các ngành nghề truyền thống. Trên địa bàn cũng có 4 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cói mỹ nghệ: là Công ty TNHH Đổi Mới, ánh Hồng, Năng Động, Quang Minh. Các doanh nghiệp này đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động. Do vậy, người dân yên tâm sản xuất và gắn bó với nghề hơn bởi sản phẩm đã có đầu ra. Ngoài việc làm ra các sản phẩm truyền thống như dệt chiếu, đan làn, giỏ, hộp… từ nguyên liệu cói, vài năm trở lại đây người dân còn đan thêm các sản phẩm từ nguyên liệu là bèo tây, bẹ chuối để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2013, toàn xã sản xuất trên 60 nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Giá gia công và giá bán sản phẩm tăng 5% so với năm 2012, nhờ vậy thu nhập bình quân của mỗi lao động làm nghề ước đạt 50 nghìn đồng/người/ngày. Nhờ phát triển ngành nghề nông thôn năm 2013, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt trên 90%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,95%; thu nhập bình quân đầu người là 15,3 triệu đồng/tháng (tăng 3 triệu đồng so với năm 2010).
Về những hạn chế, ông Phạm Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hướng cho biết thêm: Hầu hết các làng nghề ở địa phương có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự phát, người làm nghề thiếu vốn để đầu tư đổi mới thiết bị; phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu thị trường nên nghề phát triển chậm. Lao động tại các làng nghề chủ yếu làm theo kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp không đồng đều. Mới chỉ có 300 lao động đã qua đào tạo trong tổng số hơn 2.000 lao động làm nghề. Đặc biệt, nguyên vật liệu sản xuất và các dịch vụ phục vụ phát triển làng nghề không ổn định.
Trước tình hình trên, xã Đồng Hướng đã quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn đến năm 2020. Xã sẽ tăng cường tổ chức đào tạo nghề; hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển làng nghề nông thôn đa dạng, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu dùng tại chỗ và tham gia xuất khẩu. Giao nhiệm vụ cho các xóm đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích và quan tâm giúp đỡ các hộ nghèo và cận nghèo làm nghề, góp phần khai thác tốt tiềm năng lao động và thế mạnh riêng của địa phương, phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập và xây dựng nông thôn.
Bài, ảnh: Hà Phương