Xã Định Hóa là một trong những địa phương của huyện Kim Sơn có đông người hiến tặng giác mạc thành công. Từ người đầu tiên hiến tặng giác mạc vào năm 2009, đến nay, toàn xã đã có 25 người hiến tặng giác mạc. Cùng với đó là hàng nghìn người đăng ký tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, trong đó có nhiều gia đình có từ 5-6 thành viên cùng đăng ký. Chị Trần Thị Thu, xóm 8, xã Định Hóa cho biết, gia đình chị vừa có mẹ chồng hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, được Bệnh viện Mắt Trung ương trao Giấy ghi nhận nghĩa cử cao đẹp và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo. Trong gia đình chị, bố chồng và nhiều người thân khác cũng đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
"Trong gia đình tôi và xung quanh hàng xóm, láng giềng cũng có khá nhiều người đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Những năm qua, tại thôn, xóm chúng tôi, phong trào hiến tặng giác mạc được các tình nguyện viên, cha xứ tích cực tuyên truyền, vận động, từ đó chúng tôi nhận thức được dù không còn sống nhưng vẫn để lại cho đời một đôi mắt, đem lại ánh sáng, mở ra cuộc đời mới cho người khiếm thị, như thế là đã làm một việc thiện cuối cùng của một đời người, dù chết đi vẫn còn có ích cho đời, cho người..." - chị Trần Thị Thu chia sẻ thêm.
Xã Như Hòa là địa phương có trên 70% đồng bào theo đạo Công giáo. Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã quy hoạch các vùng chuyên canh, chỉ đạo nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng nhiều mô hình trang trại, gia trại, mô hình xen canh lúa - cá... Đồng thời dồn điền, đổi thửa thành công gần 400ha đất nông nghiệp để đưa cơ giới vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Ngoài chăm chỉ với nghề làm nông, người dân Như Hòa đã tích cực tham gia các ngành nghề để nâng cao đời sống, như nghề đan cói, bèo bồng, cho thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, đời sống đồng bào Công giáo trên địa bàn nói riêng, người dân xã Như Hòa nói chung có sự thay đổi, ngày càng nâng cao. Thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; số lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn trên 1%... Bà con giáo dân luôn nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy bản chất tốt đẹp của người giáo dân Kính chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo theo tinh thần chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào". Đồng thời người dân theo đạo và đời luôn có ý thức đoàn kết, chung sức chung lòng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chung tay xây dựng làng xóm, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Kim Sơn là huyện trung tâm Công giáo với trên 47% đồng bào theo đạo, sinh sống tập trung ở 34 giáo xứ trên địa bàn huyện. Với tinh thần "Sống tốt đời, đẹp đạo", "Sống phúc âm trong lòng dân tộc", những năm gần đây, đời sống người dân huyện Kim Sơn nói chung, bà con giáo dân nói riêng được cải thiện rõ rệt về cả vật chất và tinh thần. Không chỉ cùng nhau thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng bào Công giáo ở khắp các giáo xứ trên địa bàn huyện còn đoàn kết trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, thiết thực xây dựng gia đình và làng xóm, quê hương ngày càng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Trong phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", đồng bào công giáo Kim Sơn đã thi đua lao động, tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, tham gia dồn điền đổi thửa, góp của, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn... Trong phong trào thi đua lao động sản xuất đã xuất hiện nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ lớn, do giáo dân làm chủ, không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đồng thời, nhiều địa phương trong huyện có tỷ lệ đồng bào Công giáo cao như Chính Tâm, Chất Bình, Xuân Thiện..., bà con giáo dân đã đưa vào trồng một số loại cây thuốc nam như trạch tả, ngưu tất, bạch truật, bạch chỉ... cho giá trị kinh tế từ 12-15 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 2 lần so với trồng các loại cây màu khác.
3 năm qua, đồng bào Công giáo trong huyện đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công lao động trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tập trung vào việc cải tạo, làm mới đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, nạo vét thủy lợi nội đồng.... Hiện nay, 100% các giáo xứ, giáo họ có đường bê tông nối khuôn viên nhà thờ với đường liên thôn, liên xã. Hầu hết các cơ sở thờ tự đều được tu sửa, nâng cấp, cải tạo khuôn viên khang trang, sạch đẹp..., cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân, làm đẹp bộ mặt nông thôn và góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Hết năm 2018, huyện Kim Sơn có 16/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 64%.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo huyện Kim Sơn cũng tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội"... Nổi bật là phong trào hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Đến nay, toàn huyện có 10.925 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó có 279 người đã hiến tặng giác mạc thành công (cả nước có 494 người, tỉnh Ninh Bình có 289 người), trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện hoạt động ý nghĩa, đầy tính nhân văn này. Cuộc sống những người Công giáo nghèo, gặp khó khăn; trẻ em mồ côi, khuyết tật là người theo đạo được quan tâm, động viên kịp thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Mối đoàn kết lương - giáo luôn được quan tâm, phát huy.
Cũng theo đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn, năm 2018, huyện Kim Sơn đã hoàn thành 15/16 chỉ tiêu; trong đó nổi bật là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 17,24% so với năm 2017; năng suất lúa trung bình cả năm ước đạt 61,75 tạ/ha/vụ; tổng sản lượng thủy, hải sản ước đạt trên 26.000 tấn; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 261,8 tỷ đồng, vượt 72,46% dự toán HĐND huyện giao; thu nhập bình quân đầu người 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 6,38%... Những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện năm 2018 có phần đóng góp không nhỏ của đồng bào theo đạo Công giáo Kim Sơn.
Mỹ Hạnh