Đây không phải là lần đầu tiên người dân Ninh Xuân- là một trong 23 xã nghèo trọng điểm của tỉnh Ninh Bình được "tiếp cận" với nghề tiểu thủ công nghiệp- một trong những giải pháp giảm nghèo của xã hiện nay.
Chúng tôi ghé thăm lớp học nghề móc sợi của Hội phụ nữ, gặp chị Lưu Thị Dung, Chủ tịch Hội phụ nữ xã, được biết: Toàn Hội còn 108 hộ nghèo đứng chủ. Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, Hội phụ nữ được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ giúp hội viên thoát nghèo. Trong đó đặc biệt quan tâm đến hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Với nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vốn tiết kiệm của các chi hội, các tổ phụ nữ, năm qua các chi hội đã giúp cho 2 hội viên thoát nghèo thông qua việc tạo vốn để hội viên mua sắm bò, lợn về chăn nuôi, huy động hội viên giúp gia đình ngày công vào lúc vụ mùa...
Năm nay, công tác dạy nghề được Hội phụ nữ xã rất chú trọng vì số lao động nữ sau giải phóng mặt bằng chưa có việc làm và việc làm thường xuyên, ổn định còn nhiều. Đáng mừng là từ sau khi có Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Hội phụ nữ nói riêng và xã Ninh Xuân nói chung nhận được sự chia sẻ của một số doanh nghiệp trên địa bàn như: doanh nghiệp thêu xuất khẩu Minh Trang, Công ty TNHH Thiên Tôn... Đặc biệt, theo như lời giới thiệu của Chủ tịch Hội phụ nữ xã thì Phó giám đốc doanh nghiệp thêu Minh Trang rất thiện chí trong việc phối hợp với Hội phụ nữ để đưa nghề khâu chăn bông xuất khẩu về cho hội viên phụ nữ.
Chị Vũ Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc doanh nghiệp là đại biểu HĐND huyện đơn vị xã Ninh Xuân nên chị luôn tâm niệm phải làm việc gì đó có ý nghĩa với địa phương. Qua tuyên truyền, nhiều hội viên phấn khởi đón nhận vì thấy đây là nghề có thu nhập cao mà kỹ thuật làm lại không khó nên. Sau khi lớp nâng cao tay nghề móc sợi, Hội phụ nữ cùng doanh nghiệp thêu Minh Trang sẽ triển khai đưa khung khâu chăn về để tổ chức lớp học cho khoảng 40 người. Doanh nghiệp cam kết sau khóa học nếu học viên nào học thành thạo sẽ được doanh nghiệp cấp miễn phí cho một khung khâu chăn trị giá khoảng 300- 400 nghìn đồng/chiếc. Hội phụ nữ tin tưởng cùng với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nghề tiểu thủ công nghiệp sẽ góp phần giúp toàn Hội giảm được 4 hộ nghèo trong năm và tạo động lực huy động hội viên cùng cấp ủy, chính quyền từ nay đến hết năm tham gia xóa nhà tranh cho 3 hộ hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi với đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi được biết: Công tác giảm nghèo của xã những năm qua gắn liền với khó khăn của một địa phương phải thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp để bàn giao cho khu du lịch Tràng An. Sau giải phóng mặt bằng, xã đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tập trung mở các lớp dạy nghề: móc sợi, may công nghiệp, khâu chăn bông xuất khẩu... cho người dân.
Đồng thời, xã tạo mọi điều kiện thuận lợi và động viên, khuyến khích thanh niên trong độ tuổi lao động tích cực học nghề để vào làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng với công tác tuyên truyền, hoạt động tín chấp cho vay vốn đi xuất khẩu lao động được các đoàn thể quan tâm thực hiện tốt. Xã đã tổ chức được 2 buổi tư vấn về xuất khẩu lao động. Đến nay, toàn xã có 20 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, riêng "kênh" của Hội nông dân xã là 14 người. Hiện đang có 6 lao động tham gia học tiếng để chuẩn bị lên đường đi lao động tại Hàn Quốc. Cùng với các hoạt động giúp hộ nghèo phát triển kinh tế như: vay vốn, chuyển giao KHKT, duy trì hiệu quả các vụ sản xuất nông nghiệp... cấp ủy, chính quyền xã còn quan tâm giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống và từng bước nâng cao đời sống tinh thần thông qua việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách, kêu gọi sự đóng góp của nhân dân tham gia xây mới, sửa chữa nhà xuống cấp cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Với cách làm này, Ninh Xuân phấn đấu mỗi năm giúp 60-70 hộ nghèo thoát nghèo. Riêng năm 2007 xã đã giúp cho 68 hộ nghèo thoát nghèo, xây dựng nhà mới cho 2 hộ nghèo. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 34,6% xuống còn 24,6% (năm 2006) và còn 19,7% (năm 2007). Xã tin tưởng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự phối hợp của các doanh nghiệp cùng sự nỗ lực vươn lên của mỗi cá nhân, hộ gia đình, tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 giảm còn 17%. Phấn đấu đến năm 2010 hộ nghèo toàn xã còn dưới 11%.
Phan Hiếu