Chị Phạm Thị Hồng Điệp là một trong nhiều thanh niên trẻ của xã Đông Sơn biết tự lập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau khi tốt nghiệp THPT, không như những người bạn cùng trang lứa, Điệp không thi đại học mà có sở thích làm hàng cói. Lúc đầu chị lấy hàng cói của một đại lý rồi thuê người gia công lại, sau đó đem bán trở lại cho đại lý. Từ đó, chị đã gom góp từng đồng lãi để tăng dần số lượng hàng lên. Năm 2002, chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để lập nên Doanh nghiệp sản xuất cói xuất khẩu Thanh Thúy.
Với tinh thần ham học hỏi, chịu khó và nhạy bén trong cơ chế thị trường, dần dần các sản phẩm chiếu cói do Doanh nghiệp sản xuất đã được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Hiện nay cơ sở của chị luôn có 22 lao động làm việc thường xuyên, trừ chi phí mỗi năm cho lãi hàng trăm triệu đồng. Sản phẩm chiếu cói từ cơ sở của chị được xuất sang một số nước như: Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Điệp tâm sự: Thực ra lúc đầu tôi định chỉ làm thuê cho người khác để có công ăn việc làm và cũng là thỏa lòng đam mê thôi nhưng sau một thời gian tôi thấy xung quanh đây có nguồn nguyên liệu dồi dào (cây cói) từ Kim Sơn và Thanh Hóa đưa về, đầu tư ít, dễ làm mà lại tạo được việc làm cho nhiều người nên quyết định thành lập doanh nghiệp, mở rộng sản xuất.
Ngoài phát triển các ngành nghề thủ công, nhiều hộ dân trong xã đã biết phát huy lợi thế vốn có của địa phương để phát triển kinh tế trang trại. Đông Sơn hiện có cả chục trang trại quy mô lớn chủ yếu phát triển trồng đào phai. Trong lĩnh vực này, người dân trong xã thường nhắc tới anh Nguyễn Văn Toản - một trong những người tâm huyết và là người góp phần không nhỏ đưa thương hiệu cây đào phai Đông Sơn.
Anh Toản tâm sự: Nhiều năm gắn bó với cây ngô, cây sắn nhưng vì sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên nên hiệu quả không cao. Năm nào được mùa thì cũng chỉ đủ ăn, vậy nên cái nghèo, cái đói vẫn cứ đeo bám. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Toản đã quyết định cải tạo vườn nhà để trồng đào phai với diện tích trên 2 sào. Sau những thành công bước đầu, anh lại tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, mạnh dạn vay vốn để thuê 1,5 ha đất tại thôn 3 để trồng đào phai, kết hợp nhân giống. Mới bước sang tuổi 40 nhưng anh đã là chủ nhân một trang trại trồng đào phai với giá trị gần nửa tỷ đồng. Ba năm trở lại đây, vườn đào nhà anh cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Sau khi đi khảo sát thực tế ở một số địa phương trong tỉnh, anh Đỗ Đức Sáng đã quyết định chọn mảnh đất Đông Sơn để lập nghiệp. Với diện tích trên 2 ha vườn, anh đã trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây như: Vải, nhãn, chè, dứa, dưa hấu, cà chua... Là người mạnh dạn và chịu khó học hỏi kinh nghiệm nên anh trồng cây nào cũng cho hiệu quả cao. Anh còn vào Quảng Ngãi học hỏi kinh nghiệm trồng cây trầm và nhân rộng ra các hộ trong xã.
Anh Sáng cho biết: Hiện nay vườn nhà anh cây vải là cây chủ lực nhưng tương lai sẽ thay thế dần bằng cây trầm và cây sưa, tuy là hai cây lâu năm nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài trồng trọt, anh Sáng còn đầu tư vào chăn nuôi. Hiện nay trang trại của gia đình anh có 500 con ngan đẻ trứng, 22 con hươu và 15 con nhím. Mỗi năm từ kinh tế trang trại, anh Sáng có lãi trên 200 triệu đồng.
Qua một số mô hình làm kinh tế tiêu biểu ở trên cũng có thể thấy Đông Sơn đang từng bước chuyển mình đi lên. Cách nghĩ, cách làm của đại bộ phận nhân dân trong xã từng bước thay đổi. Tư duy về cách làm giàu và hướng tới cuộc sống no đủ là đích hướng tới của nhiều người dân nơi đây.
Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, Đảng ủy, UBND xã xác định những nguyên nhân nghèo có thể khắc phục được như thiếu vốn sản xuất, không biết cách làm ăn, chưa có việc làm... nên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như cây đào phai, cây gấc, phát triển đàn bò lai sind, gà thả vườn, ngan, vịt, nhân rộng mô hình nuôi hươu, nhím, nhỏ Niu-di-lân tại các hộ gia đình. Xã đã giao cho Hội nông dân xây dựng kế hoạch trồng cây gấc xuất khẩu. Đến nay đã có 31 hộ tham gia lớp tập huấn kỹ thuật và trồng gấc lai cao sản với tổng diện tích gần 15.500 m2 (trong đó có 7 hộ nghèo). Toàn xã có 63 hộ nghèo trồng đào phai với tổng diện tích trên 48.000 m2. Hội Cựu chiến binh cử 15 hộ tham gia lớp học làm nấm thí điểm do Công ty cổ phần T&B Yên Khánh tổ chức (trong đó có 2 hộ nghèo). Xã còn phối hợp với Doanh nghiệp Thanh Thúy mở lớp đào tạo nghề chiếu cói, tạo việc làm tại chỗ cho 25 lao động thuộc hộ nghèo. Ngoài ra, Công ty cổ phần PV-INCONESS đứng chân trên địa bàn xã tiếp nhận và tạo việc làm cho 8 lao động thuộc hộ nghèo và 12 lao động thuộc hộ có diện tích đất bị thu hồi.
Qua điều tra cho thấy, một số ngành nghề trên địa bàn xã có khả năng phát triển và cho thu nhập ổn định như nghề hàn, nghề mộc, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với mức thu nhập từ 700.000 - 1.500.000 đồng/người/tháng. Thực hiện việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, thời gian qua xã đã tổ chức thực hiện xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 9 hộ nghèo, trong đó có 3 hộ xây dựng nhà mới và 6 hộ sửa chữa với tổng số tiền trên 400 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi về việc thực hiện Đề án giảm nghèo trên địa bàn xã thời gian qua, đồng chí Phạm Đắc Địa, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: Có thể nói, sau hơn 1 năm thực hiện Đề án về công tác giảm nghèo, đời sống nhân dân trong xã đã có những biến chuyển rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn liên tục giảm qua các năm, nếu như năm 2006 toàn xã có 369 hộ nghèo, chiếm gần 29% thì đến năm 2007 còn 232 hộ, chiếm trên 14%; năm 2008 còn 217 hộ, chiếm 13%. Xã phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%.
Bài, ảnh: Vân Anh