Dẫn chúng tôi đi thăm quan các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn của một địa phương có tới 84,6% dân số là người có đạo, đồng chí Phan Văn Bột, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã phấn khởi cho biết: Văn Hải giờ không còn chỉ có sản xuất nông nghiệp. Ngành nghề phụ, nhất là nghề tiểu thủ công nghiệp như: đan cói, may công nghiệp đang dần trở thành một trong những việc làm thường xuyên, cho thu nhập và giá trị tương đối khá so với thu nhập từ làm nông nghiệp. Cũng từ việc phát triển các ngành nghề mà toàn xã đã giải quyết việc làm cho 50 - 60% lao động trong độ tuổi, hạn chế tình trạng con, em quê hương phải đi làm ăn xa. Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do T.Ư MTTQ Việt Nam phát động, Ủy ban MTTQ xã đã thu hút, tập hợp các tầng lớp nhân dân cùng tích cực tham gia thực hiện phong trào trên cơ sở đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở và với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều công trình như: Đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương, trường học... đang dần hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho nhu cầu sinh hoạt và đi lại của người dân. Đặc biệt, hoạt động giúp hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xóa nhà tranh đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Đến hết năm 2005, bà con lương - giáo nơi đây đã góp kinh phí, ngày công cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng được 38 ngôi nhà tình nghĩa và nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Trong đó, anh em, gia đình dòng họ, các họ đạo, ban chấp hành giáo xứ đã đóng góp hơn 200 triệu đồng và huy động ngày công giúp đỡ xây dựng nhà mới cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.
Gia đình giáo dân Trương Văn Ngọc là hộ nghèo đầu tiên của xã được hỗ trợ xây dựng nhà mới theo Đề án 02 của HĐND tỉnh Ninh Bình.
Phát huy kết quả từ hoạt động xóa nhà tranh những năm trước, thực hiện Đề án 02 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn xã, sau khi có danh sách chính thức các hộ được hỗ trợ, nhiều gia đình, dòng họ đã cùng góp sức, góp của giúp đỡ để sửa chữa, xây dựng nhà. Đến thăm gia đình ông Trương Văn Ngọc, giáo dân xóm Nam Cường là một trong 8 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà dột nát trong năm 2008 - 2009 đúng vào lúc gia đình ông đang hoàn thiện nốt những phần việc cuối để chuẩn bị lợp mái nhà. Ông Ngọc không giấu nổi sự xúc động cho biết: Ngôi nhà chưa hoàn thành nhưng từ ngày khởi công đến nay ông luôn sống trong niềm vui, niềm hạnh phúc vì sự quan tâm, giúp đỡ rất lớn của tỉnh. Bản thân ông là bộ đội phục viên về địa phương nhưng do sức khỏe luôn ốm đau nên không lao động thường xuyên được, gia đình hết sức khó khăn. Ông cho biết, ngôi nhà giá trị khoảng trên 40 triệu đồng. Cùng với nguồn kinh phí được tỉnh hỗ trợ, anh em trong dòng họ đã giúp đỡ thêm để gia đình có mái ấm khang trang.
Theo các đồng chí lãnh đạo địa phương: Đây là ngôi nhà dột nát đầu tiên trên địa bàn xã được xây mới theo Đề án 02 của HĐND tỉnh. Sang năm 2009, các ngôi nhà dột nát tiếp theo sẽ được sửa chữa theo kế hoạch của xã và sự tính toán, chọn thời điểm xây dựng của mỗi gia đình.
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho chúng tôi biết thêm: Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào có đạo nên hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo được cấp ủy, chính quyền quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật. Để tạo điều kiện cho bà con có đạo thực hiện tốt cả "việc đạo, việc đời", Đảng ủy, chính quyền xã phối hợp chặt chẽ với BCH giáo xứ, BCH giáp lương, các vị chức sắc, chức việc để trao đổi thường xuyên các nội dung liên quan đến công tác tôn giáo như: các cuộc hội họp, sinh hoạt của chính quyền, các đoàn thể được tổ chức vào những ngày không trùng với ngày đi lễ nhà thờ hay các sự kiện do nhà thờ xứ, nhà thờ họ tổ chức... Ngược lại, BCH giáo xứ, nhà thờ họ quan tâm lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các buổi rao giảng kinh, tạo thuận lợi cho giáo dân tham gia thực hiện nghĩa vụ của công dân. Việc tu sửa, xây dựng lại các nhà thờ trên địa bàn được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về mặt thủ tục pháp lý nên 1 nhà thờ giáo xứ Văn Hải và 5 nhà thờ họ được xây dựng đã lâu, bị hư hỏng, xuống cấp đều lần lượt được xây dựng, sửa chữa.
Thời điểm chúng tôi về địa phương, nhà thờ giáo họ Đông Hải đang được khởi công xây dựng. Tại công trình xây dựng, ông Bùi Văn Ba, trùm Chánh giáo họ cho biết: Công trình nhà thờ họ Đông Hải được xây dựng với kinh phí dự trù là 1,9 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, nhà thờ sẽ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo phục vụ cho khoảng 400-500 người. Bà con giáo dân ở đây rất vui mừng, phấn khởi và tích cực tham gia xây dựng công trình. Về Văn Hải hôm nay, các công trình như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xóm, cổng làng, nhà thờ... cùng với những kết quả trong phát triển kinh tế đang dần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến nay, xã có 100% khu dân cư tiên tiến, 11/15 khu dân cư được công nhận làng văn hóa cấp huyện, hộ gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 80,2%, hộ nghèo còn 10,2%, trường mầm non, THCS đang dần hoàn thiện để được công nhận đạt chuẩn Quốc gia trong thời gian tới... Đời sống của người dân lương - giáo Văn Hải đang thực sự có nhiều đổi thay cả về vật chất lẫn tinh thần.
Bài, ảnh: Phan Hiếu