Làng nghề truyền thống làm bún, bánh Yên Ninh nằm trong lòng thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, có lịch sử từ hơn 40 năm trước với các sản phẩm chủ yếu là bún, bánh đa, miến dong... Năm 2007, làng nghề chính thức được UBND tỉnh công nhận làng nghề cấp tỉnh. Điều này đã mang đến nhiều thuận lợi cho người dân trong làng phát triển và lưu giữ nghề truyền thống. Theo báo cáo của UBND thị trấn Yên Ninh, hiện làng nghề bún, bánh Yên Ninh có gần 400 hộ làm nghề, chiếm 63,9% số hộ trong làng, với tổng số lao động tham gia lên đến 654 người, tập trung chủ yếu ở phố Thượng Đông, Thượng Tây và Trung Lân. Nhiều năm qua, việc phát triển làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, làng nghề đã thải một khối lượng lớn nước thải ra môi trường xung quanh... Tại khu phố Thượng Tây hệ thống cống rãnh nước thải chưa hoàn chỉnh nên nước sản xuất của hai khu phố Thượng Tây và Thượng Đông thuộc làng nghề chảy tù đọng ở ao chưa được thải ra hệ thống thoát nước chung của làng nghề. Vào mùa mưa, nước thải ứ đọng trong ao tràn lên đường gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Ông Đinh Đức Hoàn, một trong những hộ sản xuất bún, miến ở làng nghề nhớ lại: Để một sản phẩm "ra lò", các hộ làm nghề đã phải sử dụng rất nhiều nước với các khâu: Ngâm, xay, nghiền, vắt, nấu...Tuy nhiên, hệ thống đường ống thu gom nước thải của làng nghề được xây dựng cách đây 15 năm, chạy dọc theo 2 tổ dân phố. Bên cạnh đó, sự phát triển quá nhanh của dân cư làm cho hệ thống thoát nước nhanh chóng xuống cấp gây nên tình trạng ách tắc, dẫn đến ngập úng, gây ô nhiễm môi trường.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình có đến 600m3 nước thải trong ngày của làng nghề được xả thẳng ra môi trường, con số này được nhân lên vào các dịp cao điểm như lễ, Tết... Nguyên nhân một phần do quy mô sản xuất của các hộ tại làng nghề chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát. Hầu hết các hộ gia đình không đủ vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại dẫn đến lãng phí nguyên vật liệu và không tận dụng được nguồn nước một cách có hiệu quả, làm tăng chi phí sản xuất...
Để hỗ trợ làng nghề phát triển bền vững, trước đó, UBND huyện Yên Khánh, thị trấn Yên Ninh đã triển khai các văn bản của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường; tuyên truyền về vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường với sức khỏe của cộng đồng dân cư, cũng như chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với đó duy trì sinh hoạt thường xuyên của CLB Nông dân bảo vệ môi trường làng nghề; vận động, thuyết phục hộ gia đình làm nghề xây dựng các bể thu gom nước thải (bể lắng đọng, hầm bioga...) tại nhà nhằm xử lý nguồn nước thải, trước khi thải ra hệ thống thu gom chung.
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, năm 2013, Chương trình mục tiêu Quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường với kinh phí từ ngân sách Trung ương đã cấp 50 tỷ đồng cho 4 dự án, trong đó có dự án dành cho làng nghề bún bánh Yên Ninh. Song song với đó, UBND huyện Yên Khánh cũng đầu tư hơn 200 triệu đồng, xây dựng hệ thống tiêu thoát và xử lý nước thải cho làng nghề.
Trung tâm Môi trường Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng trên 200m kênh tiêu thoát nước thải cho xóm Thượng Tây và Thượng Đông với kinh phí trên 163 triệu đồng. Đến nay, hệ thống ống cống thoát nước được xây dựng ở 100% các trục đường trong làng, đảm bảo thu gom toàn bộ nước thải của làng nghề đến nơi xử lý, trả lại môi trường trong lành cho làng nghề.
Kể từ khi có hệ thống kênh này, bước đầu nước thải từ các hộ gia đình đã tiêu thoát khá tốt, đảm bảo được phần nào môi trường cho 2 khu phố Thượng Đông và Thượng Tây... Qua đó ý thức người dân về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất đã thay đổi. Thay vì xả thải bừa bãi như trước, giờ đây các hộ dân đã có ý thức bảo vệ môi trường chung cho làng nghề.
Ông Đinh Quốc Hùng, phố Thượng Đông, thị trấn Yên Ninh cho biết: từ khi chính quyền triển khai dự án xây dựng hệ thống tiêu thoát và xử lý nước thải cho làng nghề, các gia đình đã nghiêm túc chấp hành việc thu gom rác, nước thải, thải đến những nơi an toàn theo quy định. Riêng gia đình tôi đã xây bể lắng với diện tích 4 m3 để xả thải, nước thải ra cống thoát chung của thị trấn đã đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống của các hộ khác.
Được biết, UBND thị trấn đã giao cho các ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền cho từng hộ dân về ý thức bảo vệ môi trường và chất lượng bánh đảm bảo vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó địa phương sẽ phối hợp với các ngành liên quan vận động, hỗ trợ người dân để cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm, tiến hành đăng ký thương hiệu để sản phẩm bún, bánh Yên Ninh phát triển bền vững góp phần thúc đẩy kinh tế ở địa phương nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.
Nguyễn Thơm