Khó khăn về vật chất
Đến CCN Gián Khẩu, chúng tôi gặp đúng giờ công nhân tan tầm. Từng đoàn người đi xe đạp, đi bộ, đổ về các khu nhà trọ ở các xã Gia Trấn, Gia Xuân, Gia Thanh… Dọc theo đường 12B, từng tốp cô gái tuổi chừng mười tám, đôi mươi có vẻ như đi chợ về. Họ xách trên tay những túi ni-lông đựng vài quả cà chua, mấy bìa đậu phụ và một ít rau xanh.
Chị Nguyễn Thị Mai (bán hàng ở chợ Gián khẩu) cho biết, đậu phụ là thực phẩm bán chạy nhất ở đây. Khoảng từ nửa năm nay, giá cả tăng cao nên người lao động ít mua thịt, cá, trứng... Nhiều hàng bán đồ ăn sẵn cũng chuyển sang bán đậu phụ, dưa muối, lạc rim… vừa túi tiền của người lao động. Rau xanh chủ yếu là rau đay, mồng tơi, những thứ tuy ít vẫn có thể nấu thành canh.
Chúng tôi đến phòng trọ của 4 cô gái quê Lào Cai đang làm tại Công ty TNHH Thái Bình Dương. Căn phòng cấp 4 lợp tôn mùa hè nóng hầm hập nhưng chỉ có một chiếc quạt chạy yếu ớt...
Trên chiếc giường được ghép bởi vài tấm ván gỗ tạp, 4 cô ngồi quanh mâm cơm với bát canh mồng tơi, vài quả cà muối, đĩa đậu sốt và một đĩa dưa xào. Một cô ngậm ngùi: "Ngày nào cũng chỉ thế thôi, có hôm đi làm về mệt, bưng bát cơm thấy nghẹn chát ở cổ. Nhiều lần đi chợ bọn em cũng muốn mua chút thức ăn "ngon ngon" về "cải thiện", nhưng thịt, cá đắt quá thành thử đã nâng miếng thịt lên rồi lại hạ xuống, đành rẽ sang hàng đậu phụ quen thuộc".
Đó là chuyện cái ăn, còn chốn ở, cũng là vấn đề lớn với các cô. Căn phòng rộng khoảng 13 m2 có giá 400.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước. Như vậy, mỗi tháng cộng cả tiền nhà, tiền điện, nước, mỗi cô phải trả gần 150.000 đồng.
Bữa cơm đạm bạc của một số công nhân CCN Gián Khẩu. Ảnh: P. Trường
Cô gái quê Lào Cai cho biết thêm: "Cộng tất cả các khoản như lương cơ bản, làm thêm giờ và một vài khoản phụ khác, mỗi tháng em chỉ có vẻn vẹn 1 triệu đồng để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Trước đây, tằn tiện lắm, mỗi tháng cũng gửi về cho gia đình được 200.000-300.000 đồng. Nay giá cả đều tăng vọt, tiền lương chỉ đủ để nuôi thân chứ không dư được đồng nào".
Trong khi đó, mặc dù có mức lương cao hơn, nhưng anh Tạ Văn Tuấn (công nhân của Nhà máy xi măng Vinakansai) vẫn cảm thấy "tiền làm ra đến đâu, hết đến đó". Anh Tuấn than thở: "1,7 triệu đồng lương tháng của tôi hiện phải "cõng" một loạt các khoản chi tiền nhà, điện nước, ăn uống, mừng đám cưới, sinh nhật, "nuôi" thêm một cái điện thoại di động và đổ xăng xe máy… tính ra tôi không để dành được đồng nào, và không thể tằn tiện hơn được nữa"…
Thiếu thốn về tinh thần
Có thể nói, cuộc sống của những lao động trong các KCN còn hết sức khó khăn, thiếu thốn. Không phim ảnh, không sách báo, không giải trí, không kết bạn… chỉ có nhiều giờ làm thêm.
Để có tiền gửi về cho gia đình và một khoản nho nhỏ phòng lúc ốm đau, Phạm Thị Hải (công nhân Công ty may Đài Loan ) đăng ký làm tăng ca. Như vậy, phần lớn thời gian trong ngày của Hải là miệt mài bên chiếc máy may. Thời gian còn lại, Hải dành để… ngủ bù.
Hải tâm sự: "Đi làm về mệt rã rời, em chẳng thiết gì ngoài việc ngủ nữa, mà không ngủ thì còn biết làm gì? Con gái thì ai mà chẳng thích đi mua sắm quần áo, tư trang để làm "điệu", nhưng đồng lương eo hẹp đã không cho bọn em cơ hội để thực hiện mong muốn đó. Được nghỉ ngày chủ nhật, bọn em chỉ quanh quẩn ở phòng, thỉnh thoảng lên nhà chủ xem "ké" ti vi. Bạn bè có dẫn nhau đi chơi, thì cũng chỉ dám ăn mỗi đứa một ly chè…".
Trong khi đó, tại một nhà trọ khác của 5 nữ công nhân ngoại tỉnh đang làm cho Doanh nghiệp may Việt-ý, trên đầu tấm nệm trải dưới nền nhà trọ là vài cuốn tiểu thuyết tình cảm đã cũ.
Nguyễn Thị Mỹ (quê Hà Nam) nói: "Chúng em làm việc quần quật cả ngày, có thời gian đâu mà kiếm bạn, kiếm người yêu? Để thư giãn, hay ít ra cũng có được một chút mộng mơ mà quên đi cuộc sống vất vả hàng ngày, bọn em chung tiền thuê truyện tình cảm về đọc. Đấy, nhu cầu "hưởng thụ văn hóa tinh thần" của bọn em chỉ được đáp ứng ở mức đó thôi".
Sự mất cân đối về giới tính (90% người lao động ở KCN, CCN là nữ) đã gây khó khăn cho sự tìm hiểu, kết bạn của các nữ công nhân. Hành trình đến với tình yêu, hạnh phúc đối với họ là những cung đường gập ghềnh, không ít trường hợp đã rơi vào cạm bẫy tình cay đắng.
Nguyễn Thị B (quê Hà Nam) ăn nói nhỏ nhẹ, dễ nhìn, sống rất chừng mực. Dịp Tết vừa qua, trên chuyến xe về quê, B đã quen với một "kỹ sư" tên Lâm (làm cùng CCN Gián Khẩu). Để tạo niềm tin cho bạn gái, Lâm đưa cho B xem chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp đại học, thẻ ra vào công ty…
Thời gian sau đó, cứ vài ba tối Lâm lại tìm đến nhà trọ của B. Họ yêu nhau. Một tối thứ 7, mấy người bạn cùng phòng B về quê, B đồng ý cho Lâm ở lại. Sáng hôm sau thức dậy, B tá hỏa khi thấy chiếc xe máy bố, mẹ vừa mới "tậu" cho để đi làm đã "bốc hơi" cùng anh bạn trai. Giấy tờ xe máy và tháng lương để trong ví cũng không cánh mà bay…
Nỗ lực của các ban, ngành
Hiện, CCN Gián Khẩu có 10 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 7 doanh nghiệp thành lập được tổ chức công đoàn.
Bà Đinh Thị Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Viễn cho biết: "Phần lớn các cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) hoạt động kiêm nhiệm, chưa được đào tạo nên kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động hạn chế. Vai trò của các CĐCS trong việc xây dựng thang, bảng lương và giám sát việc thực thi pháp luật lao động trong chi trả lương ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) còn rất yếu. Do đó, chưa thể hiện được vai trò chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động".
Để khắc phục tình trạng trên, LĐLĐ tỉnh đã mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ một cách hệ thống cho các cán bộ CĐCS. Lớp bồi dưỡng nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS, nâng cao hiệu quả công tác, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, thực sự trở thành "mái ấm" cho NLĐ.
Trong đó, coi trọng việc nâng cao năng lực cho Ban chấp hành CĐCS để tham gia được với giám đốc, hoặc người sử dụng lao động về thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, phải ràng buộc cụ thể về thang bảng lương, quy chế trả lương cho người lao động. Có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Mục tiêu trong năm 2008, toàn tỉnh sẽ có 40% doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động.
Đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ có 5 KCN, CCN. Dự báo, lượng lao động ở các KCN, CCN sẽ tăng lên rất nhiều. Nhằm giảm bớt khó khăn về nhà ở cho người lao động, UBND tỉnh đã quyết định dành hơn 100 ha đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Cụ thể, KCN Ninh Phúc: 20 ha, CCN Gián Khẩu: 30 ha. KCN Tam Điệp 30 ha, CCN sạch Phúc Sơn: 30 ha, CCN Khánh Cư: 20 ha.
Theo đó, đến hết quý II/2008 sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Năm 2009, sẽ tiến hành làm đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước... để giao đất cho các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở và dịch vụ nhà ở theo tiến độ các KCN, CCN… Với những nỗ lực của các ban, ngành, tin rằng đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ sẽ sớm được cải thiện.
Thu Hằng