Chị Vũ Thị Hòa, công nhân Công ty sản xuất cần gạt nước Hàn Quốc (Khu công nghiệp Khánh Phú) mỗi tháng thu nhập gần 4 triệu đồng, so với các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh, mức lương hiện nay của chị cũng như công nhân trong Công ty đứng ở nhóm thu nhập cao. Tuy nhiên, chỉ công nhân chưa có gia đình, nhà ở gần Công ty thì còn có thể tích lũy được vài trăm nghìn đồng/tháng. Còn những công nhân đã có gia đình hoặc nhà ở xa, chi phí cho việc ăn uống, đi lại, thuê nhà đã chiếm hết, hầu như không còn tiền tích lũy.
Thực tế thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong các làng nghề đang gặp rất nhiều khó khăn. Anh Vũ Văn Hùng, xã Ninh An (Hoa Lư) cho biết, rất may là nhà nông nên tôi còn làm mấy sào ruộng và trồng được rau cỏ nên còn cầm cự được, chứ đã mấy tháng nay đi làm thợ đá ở làng đá Ninh Vân, tôi chưa nhận được đồng lương nào. Cuối tháng 11 vừa rồi doanh nghiệp chính thức cho công nhân nghỉ việc, anh Hùng chỉ được trả 3 tháng lương trong tổng số 11 tháng đã làm, mức lương không quá 2 triệu đồng/tháng. Sau rất nhiều hứa hẹn, chủ doanh nghiệp đã thông báo "thẳng thừng", doanh nghiệp đang trên "bờ vực" phá sản, vì hàng làm ra mà không bán được, thậm chí nhiều sản phẩm đá đã được đặt hàng nhưng "vỡ" hợp đồng vì đối tác không có nguồn để thanh toán.
Đến các khu nhà trọ gần các KCN càng thấy rõ đời sống khó khăn, thiếu thốn của công nhân. Bà Nguyễn Thị Phụng có gần chục gian phòng cho công nhân thuê trọ tại xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) cho biết: Biết là giá cả các mặt hàng hóa, dịch vụ đều tăng nhưng tôi không dám tăng giá phòng, bởi thấy thực tế đời sống công nhân thuê trọ ở đây quá thấp. Lương chỉ khoảng 2 triệu đồng mà biết bao nhiêu khoản phải chi phí, nếu chưa có gia đình thì họ ở 4-5 người chung một phòng chỉ rộng hơn 10 m2. Nghĩ cũng tội nghiệp, có hôm tôi thấy buổi tối họ nấu một nồi mì tôm to với rau để ăn qua bữa, sau đó bảo nhau đi ngủ sớm để tiết kiệm điện… Vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động, nhất là một bộ phận công nhân, lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp gặp khó khăn, hầu hết công nhân lao động phải tự thuê chỗ ở, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội…
Đồng chí Lê Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Đến hết tháng 11-2012, toàn tỉnh có trên 80 nghìn công nhân làm việc trong các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH…). Thu nhập bình quân của công nhân trong các doanh nghiệp hiện nay đạt khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đời sống, mức sống của công nhân còn thấp, gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đáng quan tâm là chính sách tiền lương còn bất cập, mặc dù đã được điều chỉnh hàng năm nhưng tiền lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động. Tiền lương, tiền thưởng hàng năm của người lao động ở các loại hình doanh nghiệp vẫn còn có sự khác biệt… Điều này dẫn đến hiệu ứng là công nhân liên tục bỏ việc, chuyển việc để hy vọng có thu nhập cao hơn.
Thu nhập thấp, đời sống khó khăn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng người lao động không thiết tha, gắn bó với công việc, có tư tưởng tìm kiếm công việc khác có thu nhập tốt hơn, nhất là công nhân lao động ở một số doanh nghiệp may mặc, thường xảy ra tình trạng mất cân đối về cung - cầu lao động, lao động thường xuyên biến động với số lượng lớn... Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh về tăng lương, hứa hẹn đãi ngộ để tuyển dụng, thu hút lao động, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khác.
Bên cạnh vấn đề về thu nhập thấp, việc không thực hiện đầy đủ chế độ, quyền lợi cho người lao động cũng gây tác động đến đời sống của người lao động. Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến hết quý III/2012, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nợ BHXH bắt buộc từ 3 tháng trở lên gần 67 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc đang có hàng nghìn lao động trong các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp bị tạm hoãn, dừng chi trả các chế độ BHXH mà họ được hưởng.
Để nâng cao điều kiện sống của người lao động trong các doanh nghiệp thuộc các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, trước hết các doanh nghiệp cần đảm bảo thu nhập, mức sống cho công nhân, coi đây là giải pháp quan trọng để ổn định, phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải bảo đảm quyền lợi cho người lao động như đóng nộp BHXH, thực hiện nghiêm túc các chế độ đối với người lao động. Về lâu dài, để công nhân yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, cần có sự đầu tư toàn diện như: xây phòng trọ, nhà ở cho công nhân, xây dựng trường học, nhà trẻ, sân chơi…
Công tác đào tạo nghề, trang bị kiến thức cho người lao động cũng là vấn đề cần được ưu tiên để người lao động nâng cao hiệu quả lao động, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống..., giúp họ ổn định cuộc sống, tận tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Mỹ Hạnh