"Thờ ơ" với việc đội mũ bảo hiểm Quy định, chế tài về việc xử phạt người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên đã có từ lâu nhưng vì sao quy định đó lại không được chấp hành một cách nghiêm túc, tỷ lệ vi phạm vẫn ở mức cao? Quan sát tại một số trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình vào đầu giờ sáng hoặc buổi chiều tan học, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh phụ huynh chở con em đến trường mà không đội mũ bảo hiểm. Lý giải cho điều này, các bậc phụ huynh thường đưa ra những lý do như: Chưa thấy nhà trường thông báo, cháu không thích đội hoặc để quên ở nhà.
Anh Nguyễn Văn Cường có con học lớp 5 trường Tiểu học Ninh Khánh cho biết: Anh đã biết về quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi ngồi trên xe máy, qua nghe đài, đọc báo nhưng từ trước đến nay, chưa thấy có trường hợp nào bị công an phạt nên anh cũng không đội mũ cho con. Còn chị Hoa, đón con học ở trường Tiểu học Đông Thành thì nói: Nhà tôi ở ngay gần trường, đi chỉ vài phút là về đến nhà nên mang theo mũ bảo hiểm thấy lỉnh kỉnh. Đến nay vẫn có rất nhiều trẻ không được đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy do chính ý thức của phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm.
Trao đổi với với chúng tôi, một cán bộ của Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đã có từ lâu, nằm trong Nghị định 34 về xử phạt vi phạm giao thông. Quy định này đã nhận được sự ủng hộ cao của các tổ chức, các nhà nghiên cứu trên thế giới như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ phòng, chống thương vong châu á (AIPF), Quỹ nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICIEF). Họ coi đây là một trong những chính sách nhân văn, đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ em. Câu hỏi được đặt ra là vì sao quy định, chế tài xử phạt đã có từ lâu, các cơ quan chức năng cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng theo con số khảo sát của Ban an toàn giao thông thì tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm chỉ đạt 32%.
Những giải pháp đồng bộ
Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban an toàn giao thông tỉnh, công tác tuyên truyền về Nghị định 34 được các ngành, các địa phương thực hiện tốt với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ban An toàn giao thông tỉnh kết hợp với các tổ chức đã tặng hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm cho trẻ em các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh. Ngành Giáo dục chỉ đạo các phòng Giáo dục, các trường học thực hiện việc truyên truyền và có hình thức xử lý các trường có nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng Cảnh sát Giao thông mở các đợt tuyên truyền và xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
Sau 4 năm triển khai dự án "Tăng cường thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em" đến nay, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm đã tăng. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu dự án đặt ra là 80% thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Nhiều ý kiến nêu lên các nguyên nhân chủ yếu làm nhiều phụ huynh chưa thông suốt về nhận thức: Đội mũ bảo hiểm có thể làm tăng nguy cơ chấn thương cổ đối với trẻ em. Các quy định xử phạt chưa áp dụng trực tiếp đối với trường hợp trẻ em vi phạm vì Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính không quy định việc xử phạt đối với trẻ em dưới 14 tuổi. Chế tài xử phạt đối với người lớn điều khiển môtô, xe gắn máy chở theo trẻ em không đội mũ bảo hiểm chưa được thực hiện nghiêm. Để tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm đạt cao, người lớn phải thay đổi nhận thức bởi người lớn quyết định việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ.
Cần ưu tiên hàng đầu là việc tuyên truyền, giáo dục, tập trung "khai thông" nhận thức và ý thức của các bậc phụ huynh về tác dụng của mũ bảo hiểm đối với trẻ em. Đội mũ, một mặt giảm thiểu chấn thương song quan trọng hơn là rèn suy nghĩ chấp hành pháp luật cho trẻ từ nhỏ. Thực tế cho thấy những nơi, những tuyến đường có CSGT thường xuyên tuần tra, xử phạt thì tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm tương đối cao, còn những tuyến đường, trường ở vùng nông thôn, thiếu vắng CSGT thì tỷ lệ này là thấp.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải kiên quyết xử phạt, thậm chí xử phạt ở mức cao nhất đối với phụ huynh. Bài học từ những năm trước đây quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người lớn sau nhiều năm tuyên truyền mãi tỷ lệ đội rất thấp, nhưng khi cả nước quyết liệt xử phạt nghiêm thì tỷ lệ đội mũ bảo hiểm tăng khá cao, đạt 90-95%".
Trần Dũng