Được xác định là một nội dung mới và khó nên ngay từ khi bắt đầu triển khai, công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và nội dung của đề án đã được chú trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với chủ trương thi tuyển. Trong quá trình triển khai luôn đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Kinh nghiệm từ những đơn vị triển khai trước
Tỉnh đoàn là đơn vị đầu tiên trong tỉnh tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng. Đồng chí Đinh Thị Phượng, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xác định để kỳ thi đạt hiệu quả cần thực hiện 3 yêu cầu chính, đó là: Thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của tỉnh trong công tác cán bộ. Việc tổ chức thi tuyển phải đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác cán bộ.
Để làm tốt những yêu cầu trên, công tác chuẩn bị được coi là khâu then chốt. Hội đồng thi tuyển đã xây dựng kế hoạch thi tuyển, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các đơn vị có liên quan. Việc hướng dẫn người đăng ký thi tuyển làm hồ sơ, tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt danh sách ứng viên dự thi được tiến hành thận trọng, đảm bảo đúng quy định. Ngoài ra việc xây dựng đề cương ôn tập và hướng dẫn ứng viên dự thi tiếp cận, nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu hoạt động của Ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị cũng là một nội dung được quan tâm thực hiện… Thí sinh Trương Thị Thu Thủy, người đã trúng tuyển vào chức danh Phó trưởng Ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh đoàn cho biết: Trước khi thi tất cả thí sinh đều được tạo điều kiện để tìm hiểu rõ những nội dung, yêu cầu và nắm chắc quy chế, vì vậy chúng tôi cảm thấy rất tự tin khi bước vào cuộc thi.
Ngoài công tác chuẩn bị, kỳ thi của Tỉnh đoàn cũng được đánh giá cao nhờ vào những ứng viên xuất sắc đã được xét duyệt kỹ càng trước đó. Đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn nhấn mạnh: Họ là một trong những nhân tố quyết định tới thành công của kỳ thi. Điều này được thể hiện ở việc các ứng viên đã tự tin trình bày giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban. Trong đó, tập trung tham mưu chỉ đạo các hoạt động đã triển khai nhưng hiệu quả còn hạn chế. Các giải pháp này được đưa ra dựa trên việc nghiên cứu kỹ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như tình hình hoạt động của Ban trong thời gian vừa qua.
Cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai Đề án, huyện Yên Mô lại cho thấy những kinh nghiệm thực tế từ khâu ra đề thi. Đồng chí Phạm Quốc Đạt, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chức danh Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của kỳ thi chính là việc xây dựng bộ đề thi, đáp án, biểu chấm điểm đảm bảo bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan và chức trách, nhiệm vụ của vị trí thi tuyển. Các thành viên Ban chấm thi tiến hành chấm điểm bài thi, phần thi một cách độc lập theo đúng đáp án và thang điểm đã được thống nhất. Điều đặc biệt là ngoài việc chấm điểm theo thang điểm có sẵn, Hội đồng thi tuyển còn có một kênh tham khảo trước khi đưa ra kết quả cuối cùng đó là việc lấy phiếu tín nhiệm của người dự.
Thành công bước đầu khi triển khai Đề án
Từ kinh nghiệm của những đơn vị triển khai đầu tiên, Tổ công tác của tỉnh đã đánh giá rút kinh nghiệm để tiếp tục áp dụng ra diện rộng nhằm thu hút được những cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ, có triển vọng phát triển để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Từ tháng 5 đến hết tháng 8-2013 đã có 12 cơ quan, đơn vị hoàn thành tổ chức thi tuyển với 17 chức danh.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, quá trình triển khai thi tuyển đã đảm bảo sự tập trung, thống nhất của tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Hội đồng thi tuyển các cơ quan, đơn vị đều thành lập với số lượng hợp lý từ 7-9 đồng chí. ở khối sở, ban, ngành hầu hết các đồng chí cấp trưởng cơ quan, đơn vị đều tham gia làm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển.
Một bước trong quá trình triển khai Đề án đã nhận được sự ủng hộ rất cao từ các cán bộ, công chức, viên chức chính là việc thông báo công khai rộng rãi kế hoạch thi tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó các cơ quan, đơn vị cũng quan tâm, tạo điều kiện để thí sinh tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu và tình hình hoạt động của đơn vị có chức danh thi tuyển. Đặc biệt, việc ra đề thi, đáp án chấm thi là một khâu khó, mất nhiều thời gian, công sức nhưng đã được các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu, chuẩn bị tương đối chặt chẽ, chi tiết sát với yêu cầu của chức danh thi tuyển và đảm bảo tính bảo mật của đề thi.
Trong công tác thi tuyển, Hội đồng thi đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, công bằng. Một số đơn vị đã cho thí sinh viết Chương trình hành động bằng máy vi tính, đây là cách làm sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực của bài thi. Về phía các thí sinh cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để thể hiện tốt nhất trình độ, năng lực của mình. Phần trình bày tóm tắt chương trình hành động đa số thí sinh đều thuyết trình bằng máy chiếu, thể hiện nội dung tương đối khoa học, một số thí sinh khi trình bày đã thoát ly được văn bản, tư thế, tác phong chững chạc, tự tin…
Ngoài ra, nét nổi bật cho thấy sự đánh giá khách quan ở các kỳ thi này là kết quả lấy phiếu tín nhiệm của những người được mời dự phần thi trình bày chương trình hành động cơ bản trùng khớp với đánh giá của Hội đồng thi. Đây là kênh thông tin tham khảo quan trọng đã giúp cho Hội đồng thi xem xét, xác định người trúng tuyển.
Qua triển khai đề án, các cơ quan, đơn vị đã cơ bản đánh giá đúng và lựa chọn được những cán bộ xứng đáng nhất, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có trình độ, năng lực thực sự nổi trội và đạt kết quả thi cao nhất để bổ nhiệm, do vậy không có đơn thư khiếu nại về kết quả thi.
Duy Hiền