Bám sát cơ sở, chủ động giải quyết những vấn đề thực tiễn
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng "gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", tháng 7/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai chủ trương phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và chỉ đạo các cấp ủy phân công cấp ủy viên cấp mình về dự sinh hoạt với các chi bộ khu dân cư. Thực hiện chủ trương này, các đồng chí cấp ủy viên các cấp đã tăng cường đi cơ sở, kiểm tra, đôn đốc giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau gần 2 năm thực hiện chủ trương trên đã đem lại hiệu quả rõ nét, thể hiện ở 4 được: được việc, được cán bộ, được tổ chức và được lòng dân.
Đồng chí Bùi Thiện Thi, TUV, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh cho biết: ở Yên Khánh, việc dự sinh hoạt chi bộ của cấp ủy viên các cấp trở thành việc làm thường xuyên, nề nếp, phát huy hiệu quả. Bởi thông qua dự sinh hoạt chi bộ, cán bộ đi dự sinh hoạt đã sâu sát, nắm chắc hơn tình hình thực tiễn ở khu dân cư, chỉ ra những tồn tại trong sinh hoạt, giúp chi bộ nhìn nhận sát thực hơn những hạn chế, từ đó khắc phục kịp thời, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ từ khâu chuẩn bị nội dung sinh hoạt, phương thức lãnh đạo đến quyết tâm giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, bức xúc ở cơ sở.
Dẫn chứng cho câu chuyện sâu sát cơ sở, đồng chí Đinh Văn Tú, Bí thư Chi bộ phố Bàn Lân, thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) cho biết: Con đường chạy qua khu phố (đường Khánh Ninh) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, lại nhỏ hẹp. Cuối năm 2019, Nhà nước có chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường, yêu cầu đặt ra là khu phố phải giải phóng mặt bằng để đường có thể mở rộng hơn. Đón nhận chủ trương này, chi bộ đã họp để bàn giải pháp, tuy nhiên một số cán bộ, đảng viên trong phố vẫn có chút băn khoăn vì đây là khu phố cổ, nhiều nhà đã xây tường bao, các công trình kiên cố, việc giải phóng mặt bằng sẽ rất tốn kém và khó có thể thực hiện được.
Cũng chẳng hiểu từ đâu và từ khi nào mà câu nói "một tấc không đi, một li không dời" đã được gán ghép cho một số ít người dân thị trấn Yên Ninh, khiến cho câu chuyện giải phóng mặt bằng càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng khi có các đồng chí cấp ủy viên cấp huyện về dự sinh hoạt chi bộ, giải thích cặn kẽ về chủ trương đầu tư, nâng cấp tuyến đường, nhiều cán bộ, đảng viên khu phố hiểu rằng đây là cơ hội tốt để mở rộng tuyến đường, tạo thuận lợi thúc đẩy thông thương, nhất là ô tô có thể vào tận trong ngõ. Các cán bộ, đảng viên trong chi bộ đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống ở 2 bên đường Khánh Ninh tự nguyện hiến đất. Theo thiết kế, sau khi nâng cấp, con đường sẽ mở rộng từ 3m lên 6m, đoạn chạy qua khu phố Bàn Lân dài khoảng 300m và ảnh hưởng đến 26 hộ dân sống ở hai bên đường. Với phương châm dân chủ, công khai và "lấy sức dân làm đẹp cho dân", sau một thời gian tuyên truyền, vận động, 26 hộ dân của phố Bàn Lân đều đồng tình, tự nguyện hiến đất. Điều mà người dân mong muốn, đó là Nhà nước sớm triển khai dự án và hỗ trợ một phần việc di dời nguyên vật liệu sau khi người dân phá dỡ tường bao, cổng, mái tôn che hiên và các công trình kiến trúc khác trên đất.
Việc phân công cấp ủy viên và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh về dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư được xem là một chủ trương đúng, vừa được người, được việc, được tổ chức, do vậy được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Thực tiễn công tác xây dựng Đảng, nhất là những khó khăn và hạn chế trong sinh hoạt, hoạt động của các loại hình chi bộ của tỉnh trong những năm qua đã cho thấy việc quy định và yêu cầu thực hiện phân công cấp ủy viên các cấp về dự sinh hoạt chi bộ vừa là giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhưng cũng là yêu cầu quy định trong công tác xây dựng tổ chức đảng cũng như rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên cao cấp. Đây cũng là việc làm cần thiết để mỗi cán bộ, đảng viên đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng phong cách công tác quần chúng, ý thức tôn trọng nhân dân.
Tinh gọn bộ máy
Trong nhiều năm qua, BCH Đảng bộ tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và từng cơ quan, tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH T.Ư (Khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo các cấp, ngành, các địa phương triển khai hoàn thành nhiều đề án sắp xếp, đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương và phải được tiến hành một cách thận trọng, chắc chắn, tránh cầu toàn, nhưng cũng không được chủ quan, nóng vội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, bố trí sắp xếp lại các phòng. Theo đó, các Ban tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy không còn nhiệm vụ Hành chính, quản trị, chuyển nhiệm vụ này về Văn phòng Tỉnh ủy; đồng thời thực hiện nghiêm nguyên tắc thành lập phòng, lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021, mỗi Ban đều giảm 1-3 đầu mối bên trong. Đến nay, sau khi sắp xếp lại, đã giảm được 7 đầu mối bên trong thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai và đã hoàn thành việc sáp nhập Đảng ủy Khối Cơ quan và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ở huyện Hoa Lư; chỉ đạo 4/8 huyện, thành phố thực hiện chủ trương thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện; 8/8 huyện, thành phố thực hiện mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện.
Trong những năm gần đây, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy khối Nhà nước cũng đạt được những kết quả quan trọng. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã thực hiện việc sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Đến nay đã giảm 6 phòng trực thuộc 5 sở; các đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh đã giảm được 43 đơn vị.
Cùng với kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan khối Đảng, đoàn thể, khối Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương sắp xếp kiêm nhiệm các chức danh nhằm tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn; thôn, xóm, tổ dân phố. Theo đó, ở cấp xã bố trí từ 11-13 người (trước đây bố trí 20 người), ở cấp thôn bố trí từ 5-6 người (trước đây bố trí 10 người). Đến nay, sau khi sắp xếp ở cấp xã đã giảm được 978 người (37%), cấp thôn, xóm, phố giảm được 4.228 người (34%). Hiện nay, nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được xây dựng cơ bản đồng bộ cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Cán bộ được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn và trưởng thành về nhiều mặt; có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; có năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao; nhiều đồng chí có sự đổi mới về tư duy, năng động, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng gần dân, sát cơ sở và xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã là một trong những yếu tố quan trọng để Ninh Bình hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, góp phần đem lại niềm tin của nhân dân với Đảng, với sự điều hành của chính quyền.
Minh Ngọc