Là một trong những trường học tổ chức dạy 100% các khối lớp theo mô hình VNEN, thầy giáo Phạm Ngọc Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Thịnh cho biết: Mô hình VNEN với mục tiêu nhằm tạo điều kiện cho trẻ thuộc các nhóm trẻ khó khăn hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học có chất lượng thông qua đổi mới sư phạm, đặc biệt là đổi mới thông qua phương pháp dạy - học; rút ra những bài học có giá trị thực tiễn về đổi mới sư phạm trên toàn quốc, nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo mục tiêu đó, nhà trường triển khai mô hình VNEN từ năm học 2015-2016. Hiện nhà trường có 289 học sinh/11 lớp. Cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 nên rất thuận lợi cho triển khai mô hình VNEN. Các lớp học theo mô hình VNEN được chia nhóm từ 4-6 em và xây dựng các hội đồng tự quản trong lớp, xây dựng "Hòm thư góp ý", "Thư viện lớp học", "Điều em muốn nói", "Góc cộng đồng", giúp học sinh chủ động trong làm việc nhóm, chia sẻ băn khoăn, thắc mắc với thầy cô, bạn bè, tạo sự gần gũi học sinh và nhà trường.
Cùng với cách giảng dạy thay đổi từ việc thầy cô giảng, trò nghe thì theo mô hình thầy cô và học sinh có sự tương tác 2 chiều, giúp các em mạnh dạn, tự tin, linh hoạt, không khí học tập sôi nổi, các em chủ động lĩnh hội kiến thức, do đó, kết quả giáo dục toàn diện nhà trường được nâng cao.
Chất lượng giáo dục 3 năm học gần đây, nhà trường có 100% học sinh xếp loại tốt và đạt năng lực phẩm chất, 99,1-100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học.
Đồng chí Lê Thị Duyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mô cho biết: Năm học 2017-2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Mô đã tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tăng cường đổi mới dạy và học theo mô hình trường học mới VNEN.
Đến nay, đã có 15/18 trường tiểu học trên địa bàn huyện Yên Mô đăng ký nhân rộng toàn phần mô hình trường học mới VNEN; tổng số lớp học VNEN là 166 lớp với 4.859 học sinh (3 trường còn lại áp dụng một số thành tố tích cực của mô hình khá hiệu quả).
Trong quá trình thực hiện, với những trường mới thực hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chọn cử những giáo viên trẻ, có năng lực tiếp thu và triển khai những vấn đề mới để tham gia tập huấn và phụ trách các lớp theo mô hình trường học mới.
Ngoài tập huấn chuyên sâu đầu năm học, trong suốt học kỳ I, các trường tập trung đổi mới phương pháp dạy học thông qua sinh hoạt chuyên môn liên trường, tạo cơ hội cho cán bộ, giáo viên dự giờ, tham quan tại các trường thực hiện mô hình VNEN có hiệu quả. Các cụm trường đều thành lập được tổ nhóm chuyên môn như tiếng Anh, Tin học, Thể dục, Mỹ thuật, âm nhạc.
Ngoài ra, các trường còn tổ chức sinh hoạt chuyên môn với cán bộ, giáo viên giữa các trường tiểu học với mục đích chia sẻ, học hỏi về đổi mới phương pháp dạy học.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện còn mở các chuyên đề, dự giờ, hội thảo về các nội dung dạy học thường xuyên theo tháng, qua đó để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong chuyên môn, chia sẻ và đề xuất những cách làm hay và phù hợp với tình hình thực tế của các trường học trong huyện.
Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tiếp tục quan tâm tới công tác tuyên truyền cho cha mẹ học sinh và cộng đồng về mô hình trường học mới, nhấn mạnh vào những điểm mới, điểm hay, những lợi ích của học sinh khi được học tập theo mô hình mới; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội tham gia vào các hoạt động của nhà trường, cùng dự giờ, tham gia vào các hoạt động học tập, cùng tham gia đánh giá học sinh, tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa, giúp mẹ học sinh hiểu được tầm quan trọng của cộng đồng trong công tác giáo dục, từ đó kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp công sức vào việc xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường sư phạm thân thiện trong các nhà trường.
Kết quả rõ nét nhất mà mô hình VNEN mang lại tại huyện Yên Mô đó là các bậc phụ huynh đã có nhận thức, cách nhìn nhận mới về giáo dục. Cha mẹ học sinh đều thấy được vai trò quan trọng trong cộng đồng trong công tác giáo dục, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường.
Đồng thời, chất lượng giáo dục của các nhà trường đã có sự phát triển vững chắc, học sinh háo hức đến trường, tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, có kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác với mọi người, biết tự học, tự đánh giá bản thân, làm chủ quá trình học tập, biết quan tâm và tôn trọng người khác, có trách nhiệm với nhiệm vụ học tập và các hoạt động của lớp.
Hồng Vân