Nếu như ai đã đặt chân lên vùng đất này chừng 7-8 năm trước sẽ nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng của khu kinh tế mới Quèn Thờ. Đi giữa màu xanh của ngô và các cây ăn quả, chúng tôi cảm nhận được sự thanh bình, sự sinh sôi của mảnh đất này. Những cây trồng, những con nuôi không chỉ bảo đảm cuộc sống cho những hộ dân ở đây, mà còn mang lại nguồn thu nhập chính, làm giàu cho nhiều gia đình. Nhờ trồng đào phai, trồng các cây hoa màu và nuôi các con đặc sản, nhiều gia đình trong thôn đã mua sắm được các vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt, thoát khỏi đói nghèo.
Trưởng thôn Đỗ Cao Băng là người thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằm của những người buổi đầu đến đây lập nghiệp. Ông đã cùng với các cán bộ trong thôn trăn trở làm cách nào để giúp người dân Quèn Thờ xóa đói, giảm nghèo, vươn lên xây dựng quê hương mới. Lăn lộn với thực tế, ông đã cùng với các cán bộ của thôn, xã và thị xã vận động nhân dân cải tạo diện tích đất sẵn có, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đưa các giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao vào nuôi trồng.
Vốn xuất thân trong gia đình nghèo, nhiều năm được rèn luyện trong quân đội, ông Băng cùng gia đình đã rời quê ở xã Yên Thái (Yên Mô) đến khai hoang lập nghiệp ở Quèn Thờ năm 1997. Với gần 5 ha đất trồng rừng và đất trồng hoa màu, những năm đầu cuộc sống của gia đình ông thật gian nan, vất vả. Sau nhiều năm làm lụng chăm chỉ, đến nay gia đình ông đã có một cuộc sống khấm khá với một vườn cây cảnh giá trị hàng trăm triệu đồng; ngoài ra ông còn trồng chè xanh kết hợp với nuôi gà thả vườn, hàng năm trừ chi phí cho thu nhập trên 40 triệu đồng...
Ông Đỗ Cao Băng chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Khánh Vân
Trước kia trên 80 ha đất canh tác ở Quèn Thờ, người nông dân chỉ gieo trồng được những cây màu ngắn ngày và cây ăn quả cho thu nhập thấp thì nay đã có nhiều diện tích được trồng: Đào phai, các cây màu phục vụ nuôi gà, bò và các con đặc sản… Người dân nơi đây đã mạnh dạn tham gia vào dự án chuyển đổi từ cây màu sang trồng dứa, trồng mía… Những năm gần đây, các hộ dân trong thôn đã đưa vào nuôi các con đặc sản như: Nhím, hươu, thỏ, lợn cắp nách… và thành lập Câu lạc bộ cây, con đặc sản xã Đông Sơn.
Các thành viên trong CLB đã quan tâm, giúp đỡ nhau cùng phát triển, tổ chức đi tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế ở trong và ngoài tỉnh. Một số gia đình 1 năm đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng trọt và chăn nuôi như các anh: Trịnh Văn Đàn, Trịnh Minh Tiến. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn cũng bắt đầu được chú trọng.
Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong thôn cũng được nâng lên, hộ nghèo ở Quèn Thờ giảm dần qua các năm. Những ngôi nhà lợp ngói, nhà mái bằng kiên cố đã được mọc lên nhiều, 100% số hộ đã sắm được ti vi, xe máy. Năm 2008, khu kinh tế này đã giảm được 6 hộ nghèo, hiện nay còn 22 hộ nghèo, thôn phấn đấu đến hết năm 2009 chỉ còn 10 hộ nghèo. Nhiều hộ ở đây đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, trẻ em trong xóm được đi học đúng độ tuổi.
Cũng theo ông Trưởng thôn Đỗ Cao Băng, từ nhiều năm nay đào phai và các cây màu đã trở thành cây trồng chính ở Quèn Thờ. Nhưng nếu chỉ nhờ vào trồng trọt thì nông dân vùng kinh tế mới này chỉ có thể thoát nghèo, để vươn làm giàu phải tích cực đưa các giống con nuôi đặc sản vào nuôi thả như: Gà thả vườn, dê, nhím… phục vụ cho thị trường trong nước và ngoài tỉnh. Đồng thời tiếp tục khuyến khích cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và phù hợp với đồng đất, khai phá đồi bãi bỏ hoang để trồng rừng sản xuất, trồng rừng theo các chương trình dự án.
Vân Anh