Đường vào Kỳ Phú đang được thi công mở rộng theo tuyến du lịch Cúc Phương - Bái Đính nhưng vẫn đầy khó khăn bởi có nhiều dốc cao, quanh co, nhiều đoạn rải mạt, đất đá trơn trượt. Đến được đỉnh dốc Kỳ Phú đầy mây và gió, nhìn xuống phía dưới, xa xa những ngôi nhà mái bằng, cao tầng đan xen cùng những ngôi nhà nhỏ bình dị của người Mường vòng ra như ôm lấy những dãy núi Kỳ Phú đang chuyển mình…
Sau cái bắt tay siết chặt, đồng chí Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Long hồ hởi tiếp đón chúng tôi như những người thân. Anh Long nói giọng chậm rãi - cái giọng mà theo anh đó là đặc trưng của đồng bào vùng cao. Không phải là người Mường nhưng anh Long hiểu rất rõ về Kỳ Phú, anh cho biết: Là xã vùng cao, có đông đồng bào Mường sinh sống (85% dân số), sản xuất nông nghiệp ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, trong khi đó trình độ canh tác lại không đồng đều, lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2007, toàn xã có tới 228 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 18%.
Để giảm nghèo bền vững, Kỳ Phú xác định yếu tố quan trọng là phải làm thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân dám nghĩ, dám làm, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT. Còn nhớ, năm 1998 khi Chương trình 134 hỗ trợ người dân giống ngô lai để trồng thay thế giống ngô cũ, bà con thôn bản không dám nhận bởi họ sợ "cây không quen đất"…
Trước thực tế đó, Đảng ủy, chính quyền xã họp nhiều lần rồi quyết định, phải tính đến một nền kinh tế có sản phẩm hàng hóa, khuyến khích mọi người vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho mình và cho quê hương. Cán bộ, đảng viên đã là những người tiên phong bắt tay vào trồng ngô lai. Ngay trong vụ đầu tiên, ngô lai đã đạt năng suất 2 tạ/sào, tăng gần gấp đôi so với giống ngô cũ. Từ ngô, các gia đình đã đem xuống dưới xuôi bán rồi đổi lấy gạo, thóc và các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt thường ngày. Anh Long đúc rút: "Nếu ta nói cho bà con biết cái lợi, làm cho bà con thấy cụ thể mọi cái bày ra trước mắt là tốt thì bà con sẽ nghe và làm theo liền".
Bài học từ cây ngô lai đã giúp người Kỳ Phú nhận ra rằng làm bất cứ việc gì cũng phải biết tính toán khoa học và hợp lý. Giờ đây, nông dân Kỳ Phú đã biết đưa máy cày xuống đồng ruộng thay trâu, sức người đã được giải phóng. Hiện toàn xã có 4 chiếc máy cày lớn và hàng chục chiếc máy cày nhỏ, chỉ tính riêng bản Vóng có đã có tới 17 chiếc máy cày nhỏ phục vụ nhu cầu của bà con trong bản, trong xã và vùng lân cận. Đồng ruộng, mương máng đã được kiến thiết lại, năm 2008, toàn xã đã kiên cố hóa được 640 m kênh mương, 2 đập chống tràn với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Chủ động được nguồn nước, lúa sinh trưởng phát triển tốt hơn và có điều kiện mở rộng được diện tích trồng vụ đông. Cơ cấu mùa vụ cũng từng bước được chuyển dịch hợp lý. Từ năm 2006 đến nay, Kỳ Phú đã chuyển gần 80 mẫu vụ chiêm trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, cây công nghiệp (lạc, khoai sọ, ngô…), cho giá trị kinh tế gấp 2 lần so với trồng lúa. Giống lúa thuần cũng dần được chuyển sang lúa lai, hiện năng suất lúa lai bình quân toàn xã đã đạt 22 tạ/ha, tăng 0,6 tạ so với 3 năm trước. Người Kỳ Phú đã biết dựa vào rừng để sống, nay lại làm cho rừng sinh sôi. Được giao đất, giao rừng theo Dự án 327, các hộ đã tập trung khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng cây lấy gỗ, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Với 1.192 ha đất đồi rừng, Kỳ Phú hiện có hàng chục ha cây bạch đàn, cây keo và nhiều cây ăn quả cho thu hoạch cao. Trong 2 năm trở lại đây, Kỳ Phú đã chuyển đổi 166,1 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất. Việc chuyển đổi này đã từng bước tạo điều kiện cho nhiều hộ yên tâm đầu tư sản xuất, tăng thu nhập từ đất rừng. Ngoài ra, người Kỳ Phú đã biết tận dụng lợi thế của mình để chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Hiện đàn trâu, bò đã lên tới 3.408 con (tăng 200 con so với năm 2008), 1.350 con dê (tăng 250 con), gần 400 con hươu, nhím (tăng 172 con)… Từ chăn nuôi, trồng trọt, nhiều gia đình mua được xe máy và các phương tiện nghe nhìn. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã hiện chỉ còn 15,75%, giảm 1,89% so với cuối năm 2008.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước theo Chương trình 134, 135 và đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy, Đề án số 15 của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao mà Kỳ Phú đã có thêm điều kiện được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế và đời sống dân sinh. Năm 2008, cùng với sự hỗ trợ về kinh phí của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực về ngày công của bà con mà toàn xã đã có 12 ngôi nhà được sửa chữa, xây mới (tổng kinh phí 175 triệu đồng), thay thế những ngôi nhà dột nát, xiêu vẹo, giúp các gia đình không phải lo lắng mỗi khi mưa to, gió lớn. H ệ thống lưới điện, trạm nước sạch, trạm y tế… từng bước được đầu tư xây dựng. Đến nay, 13/13 thôn, bản ở Kỳ Phú đã có nhà văn hóa, 4 trạm cấp nước sạch; hệ thống điện sáng được hoàn thiện nên 100% hộ có điện thắp sáng. Năm 2008, xã đã đầu tư 2,4 tỷ đồng xây dựng 8 phòng học cao tầng cho Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia, đưa Kỳ Phú trở thành 1 trong 2 địa phương đầu tiên trong huyện Nho Quan có cả 3 cấp học đạt chuẩn. Có trường lớp khang trang, ngày ngày các em học sinh tung tăng cắp sách đến trường, không còn phải học nhờ ở những xã lân cận. Những năm gần đây, người Kỳ Phú đã quan tâm nhiều đến sự học, tích cực đầu tư mua sách, vở, đồ dùng học tập và tạo mọi điều kiện cho con em được đến trường…
Bài, ảnh: Đinh Ngọc