Vượt lên sự khắc nghiệt và ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết, chi bộ thôn đã lãnh đạo nhân dân cùng đoàn kết, đồng lòng, chung sức, phát huy quy chế dân chủ để hình thành nên nhiều công trình phục vụ dân sinh theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"… Hầu như trận lụt năm nào ảnh hưởng đến vùng phân lũ, chậm lũ Nho Quan, Gia Viễn, tôi đều có mặt ở Gia Tường, một trong các xã thuộc vùng "rốn lũ" để tìm hiểu đời sống bà con vùng lũ trong những những gian khó. Và dịp gần đây nhất, tôi lại về Gia Tường để chứng kiến những đổi thay của vùng quê nghèo. Tiếp chuyện chúng tôi ngay tại công trình nhà văn hóa thôn đang ngổn ngang gạch, vữa, đồng chí Bí thư chi bộ thôn Kiến Phong Đỗ Thanh Bình chia sẻ: Đúng là Gia Tường nói chung, thôn Kiến Phong nói riêng hàng năm liên tục chịu ảnh hưởng từ lũ lụt. Nhưng điều đó không làm người dân nơi đây nhụt ý chí phấn đấu, vươn lên. Bằng chứng là mặc dù sau trận lụt của năm 2008, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", thôn Kiến Phong đã huy động được sức mạnh của cả cộng đồng cùng tham gia xây dựng nhà văn hóa thôn một cách khang trang, kiên cố trị giá trên 400 triệu đồng.
Phát huy quy chế dân chủ, đặc biệt là việc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", chi bộ thôn Kiến Phong đã đưa mọi công việc quan trọng của thôn ra để mọi cán bộ, đảng viên nghiên cứu, thống nhất sau đó đưa ra để dân thảo luận, bàn bạc, thống nhất phương thức, cách làm. Chính vì vậy mà mặc dù thu nhập và đời sống còn khó khăn, nhưng các cuộc vận động, quyên góp ủng hộ… đều nhận được sự tham gia của đông đảo người dân. Trung bình hàng năm, cả thôn đều quyên góp được khoảng 3 triệu đồng để xây dựng các quỹ, ủng hộ các cuộc vận động. Như trong việc xây dựng nhà văn hóa thôn, sau khi bàn bạc, lấy ý kiến đảng viên trong chi bộ, chi bộ đưa nội dung công việc ra họp dân để thống nhất phương thức đóng góp: mỗi hộ gia đình đảng viên là 100 nghìn đồng/hộ, các hộ khác là 50 nghìn đồng/hộ.
Bên cạnh đó, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhà văn hóa thôn đã huy động được sự đóng góp kinh phí khá lớn từ những người con quê hương đi công tác, làm ăn xa. Từ khi khởi công xây dựng đến nay, nhà văn hóa thôn luôn có ban giám sát do nhân dân cử ra để giám sát quá trình thi công công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả.
Hỏi chuyện chị Phạm Thị Loan, người dân trong thôn đang có mặt tại công trình xây dựng nhà văn hóa, chị cho biết: Tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng gia đình tôi cũng như các gia đình khác trong thôn luôn nêu cao trách nhiệm trong việc đóng góp công sức, kinh phí để xây dựng các công trình công cộng. Bản thân tôi luôn suy nghĩ: cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, mỗi người dân cùng cần nỗ lực để vượt qua khó khăn trước mắt và lâu dài…
Được biết, mặc dù là thôn chịu nhiều ảnh hưởng bởi lũ lụt nhưng Kiến Phong từ năm 2006 đến nay luôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Các tiêu chí về xây dựng làng văn hóa như: gia đình văn hóa, công trình công cộng, công trình hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo… luôn được mỗi cá nhân, hộ gia đình ý thức sâu sắc và nâng cao trách nhiệm thực hiện. Hiện nay, Kiến Phong còn trên 7% hộ nghèo, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%... Đặc biệt, Kiến Phong là thôn đầu tiên trong 7 thôn của xã Gia Tường xây dựng được nhà văn hóa mới khang trang, có quy mô, thay thế cho nhà văn hóa cũ đã xuống cấp.
Bài, ảnh: Bùi Diệu