Phóng viên (P.V): Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường đại học ở nước ta hiện nay là vấn đề cấp thiết. Xin đồng chí cho biết một số giải pháp Bộ môn Lý luận chính trị đã và đang triển khai thực hiện để đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới?
Thạc sỹ Đoàn Sỹ Tuấn: Bộ môn Lý luận chính trị được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Hoa Lư giao chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học và giảng dạy các môn Lý luận chính trị, Khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên trong nhà trường. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Bộ môn luôn nghiêm túc thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường về công tác chuyên môn, thực hiện đúng nội dung và chương trình giảng dạy về các môn Lý luận chính trị. Công tác quản lý hoạt động nghiên cứu, giảng dạy các môn Lý luận chính trị trong nhà trường được triển khai theo hướng tinh gọn, sáng tạo, thiết thực, chất lượng và hiệu quả.
Các hoạt động trao đổi, hội thảo về nội dung và phương pháp giảng dạy được tăng cường đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ dạy học cho đội ngũ giảng viên. Đội ngũ cán bộ, giảng viên Lý luận chính trị đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và phương pháp giảng dạy.
Mặt khác, luôn xác định biện pháp trọng tâm đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị là không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm; coi trọng việc tự học và rèn luyện cách học, phương pháp học tập hiệu quả, sáng tạo trong sinh viên; dạy học lý luận chính trị được gắn liền với thực tiễn, phù hợp với yêu cầu đổi mới ở nước ta hiện nay.
P.V: Trên thực tế, nhiều người vẫn cho rằng Lý luận chính trị là môn học khó, khô khan và trừu tượng. Là một giảng viên nhiều năm gắn bó với nghề, đồng chí cho biết một số "bí quyết" để thu hút sinh viên, giúp cho các em có niềm yêu thích đối với môn học?
Thạc sỹ Đoàn Sỹ Tuấn: Sinh viên đại học là những người có trình độ và giàu tri thức. Tuy nhiên do mới rời ghế trường phổ thông nên các em vẫn ảnh hưởng của phương pháp giảng dạy truyền thống, ít có được cách học, phương pháp học hiệu quả phù hợp ở trường đại học. Từ thực tế trên, chúng tôi xác định để thu hút các em, giúp các em có niềm yêu thích đối với môn học: Một mặt, các giảng viên phải luôn tự học, tự nghiên cứu để cập nhật các thông tin mới, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy cho phù hợp với xu thế của đất nước trong đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế.
Mặt khác, phải khắc phục việc dạy học theo lối truyền thụ một chiều theo kiểu thầy đọc, trò ghi, thầy giảng, trò chép; chú trọng dạy cho sinh viên cách tư duy, cách giải quyết vấn đề, nhằm phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho các em; đồng thời bồi dưỡng phương pháp, lòng quyết tâm, ý chí tự học, biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Bên cạnh đó, giảng viên phải luôn gần gũi, nắm bắt tâm lý sinh viên, biết lắng nghe và chia sẻ với các em. Mỗi thầy, cô giáo không chỉ là người thầy mà còn là người bạn để các em tâm sự, chia sẻ và hỏi ý kiến về bài học cũng như kỹ năng trong cuộc sống. Trong quá trình giảng dạy, để bài giảng tránh khô cứng, lý thuyết xuông nhàm chán, giảng viên phải luôn lồng vào đó những ví dụ cụ thể và những câu chuyện từ thực tiễn cuộc sống. Qua bài giảng, phải làm sao góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên, định hướng cho các em có một thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn.
P.V: Những ngày này, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 96 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Là người nghiên cứu khoa học và trực tiếp giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong trường đại học, xin đồng chí cho biết giới trẻ ngày nay, đặc biệt là sinh viên có quan tâm đến sự kiện này?
Thạc sỹ Đoàn Sỹ Tuấn: Tầm vóc và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đã được khẳng định qua nhiều thập kỷ, tuy nhiên giới trẻ nói chung, sinh viên nói riêng cũng chưa thực sự quan tâm đến sự kiện này. Là những người trực tiếp nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi xác định giáo dục cho các em sinh viên có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về Cách mạng Tháng Mười Nga là một nhiệm vụ quan trọng và lâu dài. Để thực hiện nhiệm vụ đó, một mặt, trong dạy học chúng tôi đã đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, theo hướng tăng cường chất lượng nội dung tri thức và phương pháp tiếp cận hiệu quả, nêu bật được ý nghĩa, giá trị, tầm vóc lịch sử Cách mạng Tháng Mười Nga.
Mặt khác, chúng tôi cũng tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tăng cường thông tin, tuyên truyền để sinh viên nắm rõ về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức phong phú như: Qua tổ chức hội thảo, tuyên truyền trên bản tin và qua hệ thống loa truyền thanh của nhà trường… Thông qua đó, các em sinh viên có thêm nhiều cách tiếp cận, từ đó, các em có hiểu biết ngày càng sâu sắc, đầy đủ về sự kiện lịch sử quan trọng này.
P.V: Đồng chí cho biết việc đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy các môn Lý luận chính trị có tác động như thế nào đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên?
Thạc sỹ Đoàn Sỹ Tuấn: Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn Khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần quan trọng trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức cho sinh viên. Tuy nhiên, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên đòi hỏi phải có những nỗ lực của nhiều bộ môn khoa học khác, nhiều hình thức giáo dục khác nhau, phải có sự kết hợp của nhiều tổ chức chính trị xã hội.
Ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn Khoa học Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để trang bị cho học sinh, sinh viên cơ sở khoa học, giúp họ nhận thức và đánh giá đúng những biến động trong xã hội và giữ vững được lập trường tư tưởng chính trị của mình thì nâng cao chất lượng dạy học của các bộ môn khoa học khác, nhất là khoa học xã hội, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội khác như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên… cũng góp phần củng cố lập trường chính trị, tư tưởng cho sinh viên. Do đó, việc kết hợp giảng dạy các môn Khoa học Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với hoạt động của Đoàn, Hội… đóng vai trò quan trọng. Cần tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động về nguồn, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, các hoạt động nhân đạo, từ thiện...
Hiện nay, thực hiện Chỉ thị số: 03-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng góp phần định hướng tư tưởng, giúp cho sinh viên có những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, từ đó ra sức rèn luyện, học tập, noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí !
Thu Thủy (Thực hiện)