Một trong những nguyên nhân quan trọng để đạt được những thành tựu trên là Đảng bộ thành phố luôn chú trọng đổi mới công tác cán bộ, coi công tác cán bộ là khâu đột phá đẩy mạnh sự phát triển.
Đồng chí Phạm Khôi Việt, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy cho biết: Đảng bộ thành phố luôn quán triệt và xác định rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết T.Ư3 (khóa VIII) và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3-4-2007 của Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH-HĐH. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở xã, phường luôn quan tâm đến việc rà soát, phân loại trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, từ đó có hướng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, hiệu quả.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ. Trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, căn cứ vào nhu cầu và yêu cầu đối với cán bộ trong quy hoạch, hàng năm Thành ủy đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương theo hướng cán bộ yếu, thiếu mặt nào thì đào tạo bồi dưỡng mặt đó. Trong nửa nhiệm kỳ qua, Thành ủy đã chỉ đạo Trung tâm bồi dưỡng chính trị phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của thành phố và các phường, xã mở 81 lớp bồi dưỡng cán bộ với 6.460 học viên dự học
Đến nay, trong số 13 đồng chí giữ các chức danh ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND có 1 đồng chí trình độ thạc sỹ, 12 đồng chí trình độ đại học; về lý luận chính trị có 7 đồng chí trình độ cử nhân, 5 đồng chí trình độ cao cấp, chỉ có 1 đồng chí trình độ trung cấp. Thông qua kết quả đào tạo bồi dưỡng cho thấy: Trình độ, nhận thức của cán bộ được nâng lên rõ rệt, cán bộ qua đào tạo, bồi dưỡng đã vận dụng những kiến thức được học vào công việc thực tế đang đảm nhiệm, vì vậy đã hoàn thành nhiệm vụ với kết quả, chất lượng cao hơn.
Mô hình "một cửa" ở phường Đông Thành (Tp. Ninh Bình). Ảnh: Đức Lam
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn liền với thực hiện quy hoạch cán bộ, những năm gần đây công tác quy hoạch cán bộ của thành phố đã được triển khai thực hiện bám sát quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn cán bộ. Thành phố đã lựa chọn đưa vào quy hoạch những cán bộ trẻ có năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững. Công tác quy hoạch đã đảm bảo một chức danh giới thiệu từ 2-3 cán bộ, 1 cán bộ được giới thiệu bố trí từ 2-3 chức danh, số lượng quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp đảm bảo gấp 1,5 đến 2 lần. Chất lượng nguồn quy hoạch, cơ cấu nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ được nâng lên.
Nhận xét, đánh giá cán bộ hàng năm cũng là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ. Định kỳ hàng năm, Ban Thường vụ Thành ủy hướng dẫn và thực hiện nghiêm túc việc nhận xét, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, chuẩn xác, công khai, minh bạch. Qua nhận xét, đánh giá, bình quân hàng năm số cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt từ 65% trở lên, năm 2007 đạt 84,87%.
Nét nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua là Đảng bộ thành phố đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý. Tháng 3-2006, Thành ủy tiến hành sơ kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư, sau đó Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/T.U về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay thành phố có 6 cán bộ luân chuyển lên tỉnh, 1 đồng chí luân chuyển từ tỉnh về thành phố; 3 cán bộ thành phố luân chuyển về phường, 2 cán bộ phường luân chuyển lên thành phố. Thành phố cũng đã thực hiện luân chuyển 14 cán bộ địa chính - xây dựng từ xã, phường này sang xã, phường khác. Đối với ngành Giáo dục đã luân chuyển 7 cán bộ lãnh đạo quản lý khối THCS, 16 cán bộ khối Tiểu học và 15 cán bộ khối mầm non. Thực tế luân chuyển cán bộ ở thành phố Ninh Bình cho thấy, đa số cán bộ luân chuyển đã tiếp cận nhanh với công việc và môi trường công tác mới, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, năng lực lãnh đạo, điều hành có nhiều tiến bộ. Luân chuyển cán bộ đã góp phần củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, từng bước khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Từ những biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở ngày càng vững mạnh. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Đảng bộ thành phố Ninh Bình hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra.
Minh Châu