Cùng với cả nước, ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình đã bước vào tuần học đầu của năm học mới 2017-2018. Những ngày qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục khó khăn về cơ sở trường, lớp, về đội ngũ giáo viên… để tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục- đào tạo tỉnh nhà. Từng người, từng gia đình quan tâm, chăm lo đến việc học tập, tính toán bán con lợn, con gà, mớ rau, củ khoai… để mua cho con, em bộ sách giáo khoa, sắm áo, quần, cặp sách mới và các khoản đóng góp vào đầu năm học. Tiếng trống khai trường đã vang lên rộn rã, tưng bừng chào mừng năm học mới. Các thầy, cô giáo lại tiếp tục sự nghiệp trồng người, tất cả vì học sinh thân yêu. Các em học sinh vui mừng, phấn khởi vì mỗi ngày đến trường là một niềm vui…
Và niềm vui còn được nhân lên vì trong năm học 2016-2017, ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình tiếp tục khẳng định vững chắc vị thế trong tốp các tỉnh có chất lượng giáo dục cao của cả nước. Tỉ lệ học sinh có học lực loại giỏi, khá tăng; thi học sinh giỏi quốc gia THPT đạt 45 giải; thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia đạt 28 giải; kỳ thi THPT quốc gia có 548 thí sinh đạt 26 điểm trở lên của các tổ hợp xét tuyển đại học; điểm trung bình các bài thi của thí sinh Ninh Bình đạt 5,76 điểm, xếp thứ 3 toàn quốc… Nhìn vào những con số cụ thể đó, chúng ta càng thêm vui mừng và tin tưởng vào sự nghiệp giáo dục- đào tạo Ninh Bình. Song, bên cạnh kết quả đó, tâm trạng của nhiều phụ huynh, học sinh và cả không ít thầy, cô giáo vẫn còn băn khoăn, trăn trở. Đối với phụ huynh, việc lo kinh phí cho con em đến trường với một số gia đình cũng rất khó khăn. Đầu năm học, các khoản học phí, quỹ… đóng góp nhiều. Gia đình nào mà có 2-3 con đang độ tuổi đến trường là cả một vấn đề phải tính toán. Sách giáo khoa của các anh, chị lớp trước để lại không thể dùng cho các em học sau. Đồng phục của trường mỗi năm một cải tiến khác, năm sau không dùng được của năm trước.
Sau bao năm vất vả, dồn công sức nuôi con ăn học, tốt nghiệp đại học rồi mà quá trình tìm kiếm việc làm cũng hết sức gian nan…. Đối với học sinh bây giờ có quá nhiều áp lực về học hành, thi cử. Ngay từ khi vào lớp 1, nhiều cháu đã đọc thông, viết thạo, nói tiếng Anh "như gió" vì gia đình có "điều kiện" cho vào học các lớp năng khiếu, trường tốt, lớp chọn, chất lượng cao. Nhiều cháu gia đình khó khăn, không được học trước, đành chịu. Thời gian học bây giờ cũng rất nhiều, sáng học, chiều học, tối làm bài tập ở nhà, không còn thời gian để vui chơi, giải trí. Đó còn chưa kể đến việc phải học thêm ở nhà các thầy, cô giáo. Thế hệ 5X, 6X trước đây, chỉ học 1 buổi, còn 1 buổi ở nhà chăn trâu, cắt cỏ, phụ giúp gia đình, ít có thời gian học thêm, sách giáo khoa mấy bạn mới có 1 quyển. Điều đáng nói là thời gian học như thế, khó khăn như thế nhưng vẫn có rất nhiều người trở thành các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà quản lý… Vậy học ít hay học nhiều là tốt? Có lẽ cũng chưa có nghiên cứu nào trả lời chính xác được vấn đề này. Học đã nhiều, thi cử thì mỗi năm một "đổi mới, cải tiến", khiến cho phụ huynh, học sinh, các thầy cô giáo và cả xã hội phải hồi hộp, lo âu… Tâm trạng các thầy cô, giáo cũng không ít lần khắc khoải, đợi chờ theo kiểu "hên, xui" vì thời gian qua, lãnh đạo ngành giáo dục còn đề xuất bỏ biên chế. Bên cạnh đó là thu nhập không cao, đời sống khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa làm cho không ít thầy, cô giáo chưa thật yên tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Năm học mới 2017-2018 đã bắt đầu. Đây là năm học tiếp tục thưc hiện Nghị quyết số 39 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiêp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 2699/CT- BGDĐT với 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp. Sở Giáo dục và đào tạo Ninh Bình và phòng giáo dục các huyện, thành phố cũng đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cho năm học mới. Tuy vậy, cả xã hội đang mong muốn phải đổi mới căn bản, toàn diện và thực chất hơn nữa giáo dục- đào tạo. Thực chất là phải vì người học, gắn học chữ, học tri thức với dạy người, chú trọng dạy làm người hơn dạy kiến thức. Làm sao để những "sản phẩm" của ngành giáo dục- đào tạo phải là những con người Việt Nam có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trí tuệ, biết luân thường, đạo lý, yêu kính cha mẹ, quý trọng thầy cô, biết tuân thủ pháp luật, yêu quê hương, đất nước, yêu lao động, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo…đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và nhất là cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Đổi mới nhưng phải ổn định sách giáo khoa, cách dạy, cách học, cách thi, cách chấm điểm đánh giá học sinh. Nếu cứ liên tục thay đổi sẽ làm cho cả người dạy, người học và phụ huynh bị động. Quan tâm đầu tư xây dựng trường học, mua sắm các trang thiết bị phục vụ học tập và nâng cao đời sống cho giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa để các thầy cô giáo yên tâm với sự nghiệp trồng người…. Những mong muốn trên đây, có những việc ngành giáo dục- đào tạo Ninh Bình làm được và có những việc chưa thể làm và không làm được, nhưng cũng cần tiếng nói góp phần làm cho giáo dục- đào tạo phát triển. Bởi vì, sự nghiệp của đất nước ta trong tương lai đang bắt nguồn từ chính giáo dục- đào tạo ngày hôm nay.
Trịnh Hoa