Đặc biệt, hát Xoan được thực hành trình diễn ở các di tích đình, đền, miếu thờ tự Hùng Vương - đó chính là không gian diễn xướng - không gian văn hóa đảm bảo sức sống bền vững của di sản hát Xoan. Mối quan hệ chặt chẽ giữa hát Xoan và tín ngưỡng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai Di sản cùng song song tồn tại, phát triển vượt thời gian cho đến tận ngày nay.
Hát Xoan (còn có tên gọi khác là Hát Lãi Lèn, Hát Đúm, Hát Thờ, Hát Cửa đình). "Xoan" có nghĩa là "Xuân". Người dân Phú Thọ đã sáng tạo hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ vua Hùng vào dịp đầu Xuân. Hát Xoan là phương thức gắn kết các cộng đồng. Người ta đến với hát Xoan, cùng nhau trình diễn để giải tỏa bớt phiền muộn, tìm niềm vui trong sự hòa đồng và luôn tôn trọng lẫn nhau. Đặc trưng của hát Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: Hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả, vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình.
Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau như: mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh... Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.
Những người tham gia hát Xoan cùng thực hành trong một tổ chức gọi là phường Xoan. Mỗi phường Xoan hiện có khoảng 30-100 người. Nam gọi là kép, nữ là đào. Mỗi phường Xoan có một người đứng đầu, nữ hoặc nam, gọi là "Trùm". Trùm phường là người truyền dạy và tổ chức mọi hoạt động của phường. Họ là người nắm chắc các bài bản và lề lối thực hành hát Xoan, có khả năng tổ chức, vận động các thành viên trong phường và mọi người tham gia; nhiều trường hợp họ tổ chức sinh hoạt và truyền dạy ngay tại nhà. Hầu hết các trùm phường là những người kế tục Di sản hát Xoan từ bố mẹ, ông bà.
Chức năng trình diễn nghệ thuật của hát Xoan, đặc biệt là phần hát giao duyên, ngày nay không những đang được duy trì đều đặn trong mọi dịp lễ, Tết, mà còn được mở rộng dưới nhiều hình thức như sinh hoạt cộng đồng, công đoàn, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên địa phương, trong các dịp gặp gỡ bạn bè, liên hoan văn nghệ cơ quan... Khi đó hát Xoan được phát huy như một sự tự giới thiệu về văn hóa và bản sắc địa phương của cộng đồng cư dân Phú Thọ. Gần đây, vẫn dựa trên các bài bản Xoan cổ, những người yêu Xoan còn sáng tác, phổ biến những lời Xoan mới thích ứng với lứa tuổi và sở thích của lớp trẻ, đáp ứng nhu cầu giáo dục đạo đức, lối sống mới và cả việc bảo vệ môi trường.
Trải qua hàng nghìn năm, từ những buổi đầu ra đời là hình thức nghi lễ hát thờ Vua, đến nay, hát Xoan đã trở thành di sản độc đáo và là nét sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người dân Phú Thọ. Từ đời này sang đời khác, nhân dân tại các làng Xoan đã gìn giữ, bảo tồn các giá trị đặc sắc, độc đáo của hát Xoan. Những tiết mục Xoan mang nét văn hóa cổ xưa đưa du khách về với lịch sử dựng nước thời đại các Vua Hùng, giúp du khách cảm nhận và hiểu hơn về vùng đất và con người nơi đây. Điều đó khiến du khách ra về mang theo những nỗi niềm, xúc động riêng khi lắng nghe di sản của cha ông, thấy được nỗ lực gìn giữ, bảo tồn những câu ca, điệu hát dân gian có lịch sử từ hàng nghìn năm về trước. Chính bởi vậy, nhiều du khách khi tới Phú Thọ đều có cùng một cảm nhận rằng: "Thật đáng quý khi tại mảnh đất này, hát Xoan vẫn được gìn giữ như một nét văn hóa thuần Việt, không bị giao thoa, biến đổi bởi nhịp sống hiện đại, xô bồ"...
Hoàng Lan
(Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)