Năm 2015, câu chuyện về doanh nhân Vũ Văn Nga gắn liền với nhà máy chế biến nông sản lớn nhất miền Bắc tại xã Khánh An, huyện Yên Khánh đã đi vào hoạt động hiệu quả với công suất 35.000 tấn/năm. Năm 2016 này, vẫn ngọn lửa nhiệt huyết ấy, anh lại có trăn trở với Đề án "Cánh đồng khép kín" mà theo anh sẽ tạo được bước ngoặt đáng kể trong sản xuất nông nghiệp. Sau một năm nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động đã tạo ra được chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế như: Nông dân không thiết tha với đồng ruộng, không đầu tư công sức cho việc chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật dẫn tới việc năng suất lúa không cao, chất lượng không đảm bảo cho chế biến; chi phí sản xuất tăng, giá thành cao, thu nhập kém hiệu quả.
Phong trào xây dựng cánh đồng lớn để sản xuất lúa khó triển khai do ruộng đất đã giao cho các hộ nông dân ổn định lâu dài nhưng diện tích nhỏ khó tích tụ thành vùng sản xuất lớn chuyên canh nên chưa thực hiện đồng bộ các khâu trong sản xuất cánh đồng lớn, khó đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, khả năng quản lý, điều hành của nhiều Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp không đáp ứng với tổ chức chỉ đạo khép kín các khâu sản xuất dẫn tới năng suất lao động trong sản xuất lúa rất thấp làm tăng giá thành sản xuất.
Tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng không bán sản phẩm cho doanh nghiệp diễn ra phổ biến ở các hợp tác xã liên kết với công ty nên không thu mua đủ sản phẩm theo hợp đồng dẫn tới giá sản phẩm nguyên liệu cao làm cho giá thành gạo sau chế biến khó cạnh tranh trên thị trường.
Theo doanh nhân Vũ Văn Nga, Đề án "Cánh đồng sản xuất khép kín" nếu được thực hiện sẽ khắc phục cơ bản những hạn chế trên, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, giá thành thấp để chủ động sản xuất, kinh doanh, chủ động cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần tích cực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Với tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ, dám làm, đầu tư vào những việc mới, việc khó, doanh nhân Vũ Văn Nga đã xác định mục tiêu cụ thể, lộ trình thực hiện từng giai đoạn trong Đề án.
Anh dự định trong năm 2017 sẽ triển khai thực hiện Đề án, mở ra trang mới cho nông nghiệp Ninh Bình, giúp doanh nghiệp ổn định vùng sản xuất chuyên canh; đảm bảo chủ động sản lượng, chất lượng, giảm chi phí sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Tạo mối liên kết hiệu quả, ổn định, bền vững giữa Doanh nghiệp - HTX Nông nghiệp - nông dân và chính quyền địa phương trên cơ sở thực hiện liên kết chuỗi sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, ổn định thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích và giải phóng sức lao động nông nghiệp.
Anh tâm sự: Chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng quy hoạch cánh đồng sản xuất khép kín có quy mô từ 20 ha trở lên cho Tổng công ty Giống cây trồng-con nuôi thuê lại của nông dân để chủ động sản xuất khép kín trong thời hạn từ 5 năm trở lên.
Dự kiến năm 2017 xây dựng được 1.000ha, năm 2018 đạt 3.000 ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới đạt tiêu chuẩn lúa gạo hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Tin rằng với trên 20 năm lăn lộn với thương trường, với những lựa chọn đột phá, doanh nhân Vũ Văn Nga sẽ sớm đưa Đề án "Cánh đồng sản xuất khép kín" vào cuộc sống.
Nguyễn Khánh