Thành công từ niềm đam mê
Say mê vẽ và có năng khiếu vẽ từ nhỏ, với Phạm Bá Ngọc đó là ngọn nguồn để anh gắn bó với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gần 20 năm nay. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên con đường học vấn của Ngọc bị đứt quãng, anh phải bươn chải mưu sinh rất sớm so với chúng bạn cùng trang lứa.
Quãng thời gian học nghề chạm khắc gỗ rồi làm nghề mộc đã nung nấu tâm trí chàng trai trẻ khát khao được tự tay làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ "made in" Ninh Bình. Khởi nghiệp bằng một xưởng sản xuất đồ gỗ nhỏ tại phường Nam Sơn (thị xã Tam Điệp), nhiều khách hàng tín nhiệm ông chủ cơ sở tuy trẻ tuổi nhưng lại khéo tay, làm ra nhiều sản phẩm đẹp.
Chính trong quá trình mở xưởng sản xuất đồ gỗ, Phạm Bá Ngọc đã tận dụng những mẫu gỗ thừa, chắp vá… để tự mày mò ra những sản phẩm thủ công nhỏ xinh, đơn giản như: móc chìa khóa, vòng tay, lọ hoa… Một số sản phẩm ngay khi có mặt tại thị trường đã được khách hàng yêu thích bởi sự tinh xảo, lạ mắt.
Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, ngoài việc sản xuất các sản phẩm gỗ thông thường, Phạm Bá Ngọc đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, sáng tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Không qua trường lớp đào tạo, bằng niềm say mê và sự thông minh của mình, Phạm Bá Ngọc đã mày mò thể hiện các tác phẩm thủ công mỹ nghệ bằng nhiều chất liệu. Có những mẫu khi thể hiện không như mong muốn, bỏ đi, làm lại nhiều lần, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc.
Nhưng niềm khát khao và ước mơ được tự tay làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ "made in" Ninh Bình luôn cháy bỏng đã giúp Ngọc kiên trì, cần mẫn trong xưởng sản xuất nhỏ. Rồi các tác phẩm "tùng, cúc, trúc, mai", "long, lân, quy, phụng", những bông hoa sen, bình hoa… lần lượt ra đời, được nhiều khách hàng đón nhận.
Từ chất liệu gỗ ban đầu, Ngọc đã mạnh dạn thử nghiệm trên nhiều chất liệu khác như: gốm, đồng, tre, nứa… Với anh, một tác phẩm thủ công mỹ nghệ để đến được với khách hàng phải hội tụ được các tiêu chuẩn: tính thẩm mỹ, văn hóa, chất liệu, công năng sử dụng, giá thành. Và vì vậy anh luôn cùng đội ngũ người lao động phấn đấu để đạt được các tiêu chí đó.
Chinh phục thị trường nội địa bằng những sản phẩm đậm nét Ninh Bình
Tại Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại đồng bằng sông Hồng được tổ chức hồi đầu tháng 12 tại Ninh Bình, gian hàng đồ thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp Vạn Bảo Ngọc khá "hút" khách. Nhiều người trầm trồ, dành thời gian ngắm rất kỹ những sản phẩm đẹp mắt: bình hoa sen bằng gỗ, bức tranh cờ lau tập trận, hình ảnh núi Thúy, Tràng An… được thể hiện sinh động trên chất liệu gỗ, men sứ.
Có 1 sản phẩm được nhiều người hỏi thăm nhất là đồng tiền cổ thời Đinh. Theo Phạm Bá Ngọc đây là tác phẩm được anh dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu trong lịch sử để lên mẫu. Thật bất ngờ là ngay tại hội chợ, có 2 doanh nghiệp đã đặt hàng, trong đó có 1 công ty là Việt Kinh (thành phố Hồ Chí Minh) đã đặt mua 500 đồng tiền cổ thời Đinh bằng chất liệu đồng.
Đây là tín hiệu vui cho thấy những dự định ban đầu của Phạm Bá Ngọc đang dần được hiện thực hóa bằng chính những nỗ lực và tâm sức của bản thân. Anh cho biết: Suốt quá trình làm nghề, anh đã đi nhiều làng nghề chế biến gỗ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhận thấy "mảng" sản phẩm thủ công mỹ nghệ hầu như bị bỏ ngỏ, ít người làm bởi sự kỳ công, tỉ mỉ, từ việc thiết kế mẫu cho đến việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Ngay khi tung ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch, nhiều sản phẩm của Vạn Bảo Ngọc được thị trường tại Hà Nội, Hội An… đón nhận ngay.
Giới thiệu với chúng tôi về các sản phẩm được trưng bày tại hội chợ, Phạm Bá Ngọc cho biết thêm: Mặc dù cung cấp sản phẩm phục vụ khách du lịch cho nhiều nơi, nhưng Ninh Bình lại là thị trường chưa được khai thác. Vì vậy, mấy năm nay anh đã nung nấu sản xuất ra các sản phẩm có nội dung gắn với những điển tích, danh lam, danh nhân đất Ninh Bình.
Quá trình thực hiện dự định này, ngoài sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhà xưởng, nhân lực, Ngọc đã tìm hiểu, nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử, tận mắt theo dõi các cuộc khai quật cổ vật… để hình thành nên các mẫu vẽ về đề tài anh nung nấu. Rồi qua đôi bàn tay tài hoa, sáng tạo của mình, anh tự thiết kế nên những tác phẩm thủ công mỹ nghệ đậm chất Ninh Bình. Những sản phẩm mà doanh nghiệp Vạn Bảo Ngọc đưa ra tham dự hội chợ lần này cho thấy ước mơ và dự định từ những ngày đầu mới lập nghiệp đang được Phạm Bá Ngọc thực hiện thành công.
Năm qua là năm đánh dấu bước phát triển mới của doanh nghiệp Vạn Bảo Ngọc khi anh đã hoàn thiện cơ sở sản xuất tại thành phố Ninh Bình với quy mô khang trang, rộng rãi. Nơi đây hiện đang trưng bày nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, tinh xảo, chắc chắn sẽ là một trong các địa điểm thăm quan, mua sắm sản phẩm thủ công mỹ nghệ "made in" Ninh Bình của du khách khi đến với vùng đất Cố đô.
Ngay trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Công ty Việt Kinh là đơn vị đã đặt hàng sản phẩm đồng tiền thời Đinh và chai rượu Quý Minh đã mời các nhà sử học có tiếng về thẩm định sản phẩm đặt hàng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy đã có nhiều nơi quan tâm đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ Ninh Bình và đang có nhiều hoạt động nhằm nâng tầm giá trị, thương hiệu cho sản phẩm.
Với Phạm Bá Ngọc, hơn 80 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác nhau, ở nhiều chất liệu hiện đang được doanh nghiệp sản xuất hàng tháng, cung cấp cho nhiều điểm du lịch trong cả nước vẫn được xem là hoạt động "lấy ngắn nuôi dài" để hướng tới mục tiêu là chinh phục thị trường du lịch trong tỉnh bằng chính các sản phẩm đặc trưng đất Ninh Bình. Anh đã đi khảo sát, tìm hiểu nhiều nơi và chuẩn bị liên kết với một số khách sạn, nhà hàng, các điểm du lịch để giới thiệu và bày bán sản phẩm, với mong muốn được góp sức mình vào sự phát triển của du lịch tỉnh nhà.
Bùi Diệu