Về thăm Doanh nghiệp, chúng tôi vui mừng khi được biết qua bao biến cố, thăng trầm, hoạt động nghề gốm nơi đây bị mai một và quên lãng... nay lại có những sản phẩm được vinh danh. Nhiều người khẳng định đó là công của anh Phạm Văn Vang (sinh năm 1982) - chủ Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát. Ông chủ xưởng gốm là một người con của làng Bạch Liên đã và đang cố gắng khôi phục lại hoạt động của làng nghề bằng tất cả tình yêu nghề gốm. Cùng chung sức với anh Vang, người nhà và nhân dân thôn Bạch Liên cũng đóng góp sức người, sức của để khôi phục lại nghề làm gốm. Được sự giúp đỡ của bà con, anh Vang đã xây dựng xưởng sản xuất gốm rộng 300 m2 với hơn 20 thợ làm gốm. Được biết, sau nhiều năm miệt mài học làm nghề gốm tại Bát Tràng, đến khi tay nghề tương đối "cứng", anh đã mở được lò riêng và tự chế tác các tác phẩm mang thương hiệu Bồ Bát đem đi giới thiệu tại thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, Doanh nghiệp đã có chủng loại sản phẩm gốm gia dụng, gốm tâm linh và gốm trang trí lên đến hàng nghìn mẫu mã... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhận thức được điều này, Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát đang tập trung phát triển các sản phẩm gốm, sứ gắn với các hình ảnh du lịch trọng điểm của Ninh Bình. Theo tinh thần đó, doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát quan tâm và đẩy mạnh phát triển thêm các sản phẩm đồ lưu niệm, quà tặng... gắn với hình ảnh du lịch Ninh Bình. Điều này đòi hỏi những sản phẩm gốm, sứ Bồ Bát có những đặc trưng không nơi nào có được: Từ màu men, độ mịn đến các họa tiết tạo được nét riêng biệt, khác với các dòng gốm khác... Tất cả thể hiện ở chất đất, màu sắc, hình khối họa tiết,... gắn liền với hình ảnh non nước Ninh Bình. Đội ngũ thợ có tay nghề giỏi của doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, chọn lọc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, hiện vật đặc sắc, cô đọng của quê hương để chuyển tải bằng nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu... trên các sản phẩm. Các sản phẩm chính như chuông gió, vòng cổ, lọ hoa, ấm chén, bát, đĩa với hình dáng đa dạng, màu men được chế tác tinh xảo, đặc biệt là các họa tiết trang trí thiên về tính truyền thống văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh.... Xưởng gốm cũng đã cho ra lò nhiều sản phẩm mang các hoa văn, họa tiết liên quan tới các giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất Cố đô để tạo ra nét riêng cho gốm Bồ Bát. Hình ảnh các điểm du lịch nổi bật của Ninh Bình như Bến thuyền Khu du lịch sinh thái Tràng An, Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động... đã được lựa chọn và sản xuất hàng loạt hoặc theo đơn hàng đã trở thành món quà của mỗi du khách khi về Ninh Bình
Qua thăm xưởng gốm và tìm hiểu, chúng tôi được biết: Để đa dạng, phong phú sản phẩm gốm của doanh nghiệp hơn nữa, nhất là để trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch thì cần có sự giúp đỡ rất nhiều của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ sản xuất và chính sách đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích trong việc khôi phục và phát triển nghề gốm Bồ Bát, để làng nghề truyền thống này không bị mai một và được lưu truyền cho thế hệ mai sau. Khó khăn lớn nhất là mặt bằng sản xuất, hiện nay xưởng gốm của anh vẫn sản xuất ngay tại nhà, gần khu dân cư. Do đó, rất chật chội, đường sá đi lại nhỏ hẹp, xe cơ giới không vào được... Nếu được thuê mặt bằng ở một địa điểm khác, xa khu dân cư để mở xưởng, có đường giao thông thuận tiện thì mới phát triển được sản xuất với quy mô lớn hơn. Anh Phạm Văn Vang tâm sự: Trong vài năm qua, doanh nghiệp đầu tư 2 tỷ đồng mua sắm: máy in ắp lăn, lò hút chân không, hệ thống lọc khử từ, các lò nung bằng ga, lò nung bằng điện... nên hiện tại khó khăn lớn nhất là nguồn vốn để duy trì sản xuất. Khi đi vay các ngân hàng đều nhận được sự ủng hộ cao, nhưng không có gì để thế chấp. Căn nhà cũ của bố mẹ anh để lại, nếu mang bìa đỏ để thế chấp thì cũng chẳng được là bao... Cùng với đó, các sản phẩm ra lò phải có điều kiện giới thiệu, chào hàng, bán sản phẩm..., qua đó góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch cho du khách gần xa.
Thiết nghĩ, cùng với phát triển các sản phẩm truyền thống trước đây, tập trung phát triển mặt hàng lưu niệm, quà tặng du lịch là hướng đi phù hợp đang được Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát chú trọng. Điều này như một mũi tên trúng hai đích. Một đích là tăng thêm sự phong phú trong hoạt động du lịch, dịch vụ của tỉnh. Một đích khác là khuyến khích khả năng sản xuất: đa dạng mẫu mã sản phẩm, nâng cao tay nghề và thu nhập cho người lao động, từ đó góp phần khôi phục nghề gốm và phát triển làng nghề gốm Bồ Bát hưng thịnh như xưa.
Bài, ảnh: Minh Đường