Nguyên nhân của việc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến ngừng hoạt động, phá sản hoặc bỏ trốn là do các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của tình trạng tăng giá nguyên liệu đầu vào, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị co hẹp, hàng tồn kho tăng cao và hiệu quả kinh doanh giảm sút. Để duy trì số doanh nghiệp còn đang hoạt động thực tế; vực dậy các doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động và động viên các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh đi vào hoạt động có hiệu quả rất cần có sự "tiếp sức" của tỉnh với các giải pháp đồng bộ.
Nan giải bài toán về vốn
Từ trung tuần tháng 3-2012, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải hạ lãi suất huy động, mức hạ là 1%/năm, theo đó, lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng tính toán để điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, động thái này vẫn chỉ như "muối bỏ biển" trong "cơn khát" vốn của doanh nghiệp. Việc thiếu vốn đã dẫn đến tình trạng trì trệ sản xuất, doanh nghiệp không giữ được người lao động, chủ doanh nghiệp loay hoay tìm hướng đi khi nguồn vốn cạn kiệt... Khó khăn về thanh khoản, tức là vốn vay cho sản xuất, kinh doanh đang là mối lo lớn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Phạm Xuân Mược, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: "Mặc dù thời gian qua, lãi suất của các ngân hàng đã bắt đầu hạ nhiệt, tuy nhiên số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay này chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp lớn hoặc vừa; các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng do có nhiều ràng buộc về điều kiện được vay, định mức tài sản thế chấp chỉ được ngân hàng đánh giá 50%, vì vậy số vốn vay được không đáng kể. Bên cạnh đó là việc lãi suất vẫn còn quá cao và các ngân hàng và tổ chức tín dụng chỉ áp dụng hạ lãi suất cho những khách hàng chiến lược".
Không có vốn để duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường kéo theo hàng loạt hợp đồng thi công, hợp đồng cung ứng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ... không thực hiện được. Tiếp theo đó là người lao động không có việc làm, máy móc, thiết bị phải bỏ không, gây lãng phí và thiệt hại lớn cho bản thân doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Thậm chí có thể doanh nghiệp rơi vào nguy cơ bị phá sản.
Thực tế, tình trạng khó khăn về vốn tín dụng của doanh nghiệp không phải đến nay mới xảy ra mà đã báo động từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp vẫn phải tìm mọi cách xoay sở để vay được vốn của một số Ngân hàng thương mại, hoặc "giật gấu vá vai", chạy vạy chỗ này chỗ khác, chiếm dụng vốn của đối tác, trây ỳ công nợ đối với bạn hàng, nợ đọng thuế..., nhưng tình trạng đó không thể kéo dài mãi được. Đặc biệt khi Chính phủ đưa ra chính sách tiền tệ thắt chặt thì việc thiếu thanh khoản đang đe dọa nhiều doanh nghiệp trước bờ vực phá sản.
Theo lý thuyết thì một doanh nghiệp thành lập phải có 60% vốn cố định và 40% vốn có thể vay ngân hàng. Nhưng với mức lãi suất như hiện nay thì doanh nghiệp không thể kinh doanh có lãi đến mức đủ để trả lãi cho ngân hàng. Chủ một doanh nghiệp kinh doanh đồ điện tử - điện máy trên đường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Lãi suất tăng cao, nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi người dân thì đang thắt lưng buộc bụng nên sản phẩm của chúng tôi không tiêu thụ được. Cứ đà này thì thà đóng cửa doanh nghiệp, lấy tiền vốn gửi ngân hàng, số tiền lãi còn cao hơn doanh thu từ việc bán hàng". Lãi suất vốn vay cao, nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng không dám vay vì không lấy đâu ra lợi nhuận để trả lãi ngân hàng. Chẳng hạn như một doanh nghiệp nhỏ và vừa vay 10 tỷ đồng, mỗi tháng tiền lãi vay phải trả đã lên tới 160-165 triệu đồng, số tiền này bằng số tiền trả lương cho 100 công nhân. Thực tế hiếm có lĩnh vực kinh doanh nào chịu đựng được mức lãi suất đó. Đại diện 1 doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa ra ý kiến: "Thông tin giảm dần lãi suất cho vay từ việc khống chế lãi suất huy động về mức trần 13% khiến những người làm kinh doanh như chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, thực tế lãi suất cho vay hiện nay vẫn ở mức rất cao. Tôi và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cân nhắc trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng ở thời điểm này. Bởi, với lãi suất cao như thế, chúng tôi buộc lòng phải đẩy giá cả các mặt hàng mình kinh doanh lên để "bù" vào lãi suất. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá cả leo thang. Trước đây, khi Nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (dưới 10%), chúng tôi vừa có cơ hội mở rộng kinh doanh, vừa nhanh chóng hoàn vốn lẫn lãi. Chẳng hạn như, cửa hàng mua 3 chiếc xe tải trả góp với lãi suất 4%/năm và chỉ trong vòng 2 năm, chúng tôi đã trả xong cả vốn lẫn lãi. Còn với lãi suất như hiện nay, việc trả lãi là một vấn đề khó chứ đừng nói tới việc trả gốc".
Về phía các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ lãi suất trần về mức 13%/năm, ngay trong ngày 14-3, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt thông báo hạ lãi suất cả huy động và cho vay. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi này chỉ áp dụng cho những khách hàng chiến lược và những khoản vay trung và ngắn hạn. Đại diện Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Ninh Bình cho biết: "BIDV Ninh Bình đã nhanh chóng áp dụng các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay đối với từng đối tượng khách hàng như: Cho vay các công ty xuất khẩu nhưng có cam kết bán ngoại tệ lại cho cho Ngân hàng với lãi suất áp dụng là 15,7%; cho vay lĩnh vực nông nghiệp là 16%; đối tượng khách hàng tốt là 17-18%, cho vay tiêu dùng là 19-19,5%".
Ông Nguyễn Đình Phấn, Giám đốc Vietinbank Ninh Bình cũng cho biết: Đối với Ngân hàng Vietinbank Ninh Bình, lãi suất cho vay cũng đã được tính toán để điều chỉnh. Hiện Vietinbank Ninh Bình áp dụng mức lãi suất trần cho vay ngắn hạn là 16,5%, trung hạn là 18%, dài hạn là 18,5%. Bên cạnh đó, Vietinbank Ninh Bình cũng sẽ phân loại khách hàng để dành những ưu ái về vốn cho những khách hàng chiến lược, tránh để xảy ra nợ xấu, gây thiệt hại cho phía ngân hàng.
Như vậy, với mức lãi suất cho vay nội tệ vẫn lên tới 1,6-1,65%/tháng, tương đương 19,5-20,5%/năm, không chỉ có các doanh nghiệp lo mà các ngân hàng thương mại cũng lo doanh nghiệp làm gì cho có lãi mà trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng thương mại được, nên họ cũng rất dè dặt cho vay. Không ít ngân hàng thương mại đánh giá, với lãi suất cao như vậy, một số doanh nghiệp "vẫn liều" vay, phải chăng là họ đành chấp nhận lỗ giai đoạn hiện nay để cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này? Chứng minh điều đó cần có thời gian. Trước mắt, "bài toán" về vốn đối với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng vẫn còn rất nan giải.
Bảo Yến