Thiệt hại nặng nề
Từ đầu tháng 3 tới nay, Doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao đã phải đóng cửa toàn bộ hoạt động đón tiếp khách tại Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà. Ông Hà Huy Lợi, Giám đốc doanh nghiệp cho biết, hơn 90% nhân sự (khoảng 150 người) của Công ty đã bị cắt giảm, chỉ còn lại những bộ phận cần thiết để duy trì hoạt động như bảo vệ, nhân viên phụ trách điện chiếu sáng, kế toán… Tuy nhiên, với việc không có lợi nhuận mà hàng ngày vẫn phải chi gần chục triệu đồng để trả lãi ngân hàng, đóng bảo hiểm xã hội, trả lương nhân viên và duy trì hệ thống chiếu sáng trong hang đã khiến chúng tôi thực sự đau đầu.
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid -19, doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành cũng là đối tượng chịu tác động mạnh. Tại Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Ninh Bình, một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ lữ hành trong và ngoài nước, hiện có 8 nhân viên trực tiếp và hơn 30 hướng dẫn viên, nhân viên gián tiếp thì hầu hết cũng đang phải nghỉ vì không có việc làm. "Chúng tôi "ngủ đông" gần 2 tháng nay. Nếu tình hình này kéo dài, Công ty sẽ rất khó khăn. Thậm chí ngay cả khi hết dịch, việc thu hút lại lao động có chuyên môn cũng không phải dễ dàng gì" - ông Hoàng Bình Minh, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Ninh Bình nói.
Cũng giống như những khách sạn lớn tại Ninh Bình, tuy chưa phải dừng hoạt động nhưng lượng khách của Khách sạn The Vissai đã giảm tới hơn 90%, chỉ còn lại một vài khách lẻ. Anh Ngô Mạnh Sơn - Giám đốc Khách sạn The Vissai lo lắng: "Mặc dù đã thắt chặt chi tiêu trong vài tháng nay bằng cách cho nhân viên nghỉ luân phiên, cắt giảm lượng điện nước tiêu thụ nhưng chúng tôi chỉ có thể cầm cự đến hết tháng 4. Nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện chắc chắn chúng tôi phải xin sự trợ giúp từ Tập đoàn".
Hiện nay, gần 500 cơ sở lưu trú, 25 doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh điểm du lịch…của Ninh Bình đều đang trong tình trạng "ngủ đông". Không có doanh thu, hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vừa phải chủ động phòng, chống dịch, vừa phải bảo đảm chất lượng phục vụ khi lượng khách giảm, giải quyết các tình huống phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thậm chí, có doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cùng các chi phí khác. Hiện giải pháp mà doanh nghiệp thực hiện phổ biến là cắt giảm lao động, tiếp theo là cắt giảm chi phí, tạm dừng kinh doanh và cho nhân viên nghỉ. Đáng chú ý có một số doanh nghiệp còn đang loay hoay chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.
Doanh nghiệp nóng lòng chờ hỗ trợ
Ngày 4/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Theo đó, giải pháp hỗ trợ sẽ là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh cho rằng, những chính sách của Chính phủ trong thời điểm này sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để những chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, chúng tôi mong muốn nó sẽ được triển khai sớm và thuận lợi.
Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đề xuất điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất bởi vì tiền điện chiếm phần lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Mặc dù đã phải đóng cửa nhưng hàng tháng họ vẫn phải tốn hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để trả tiền điện. Nếu không sớm giảm giá thì sẽ rất căng thẳng.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế, một số đơn vị bày tỏ băn khoăn về cách mà các đơn vị này sẽ rà soát, đánh giá các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bởi thực tế, việc này không đơn giản, có những doanh nghiệp dễ xác minh thiệt hại thông qua lịch sử kinh doanh (như du lịch, lưu trú, vận tải), nhưng cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp thì rất khó định lượng. Trong thời gian tới, các ngân hàng và ngành Thuế cần phải cải tiến quy trình thủ tục nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục để doanh nghiệp dễ dàng nhận được các khoản hỗ trợ.
Những mong muốn này của doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng và các gói hỗ trợ càng triển khai sớm, doanh nghiệp càng yên tâm để lên kế hoạch khôi phục hoạt động hậu dịch bệnh.
Hà Phương - Đào Duy