Đứng trước thực trạng nhiều thanh niên chưa có việc làm hoặc đi lập nghiệp ở các nơi khác, thanh niên Nguyễn Văn Nhanh luôn suy nghĩ mình phải chọn công việc gì để không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho mình mà còn tạo việc làm, thu nhập cho thanh niên khác, đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương, khẳng định được sức trẻ. Chính vì vậy, được sự ủng hộ của gia đình, ngay từ khi còn rất trẻ, đoàn viên Nguyễn Văn Nhanh đã quyết định ở lại địa phương làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Nơi Nguyễn Văn Nhanh lập nghiệp, phát triển mô hình kinh tế vốn dĩ là vùng đất sình lầy, hoang hóa, không có người khai phá, nằm ở vùng sâu của xã Yên Đồng. Được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cuối năm 2013 Nhanh đã được thuê đất với tổng diện tích 4ha để xây dựng mô hình kinh tế.
Với khát vọng làm giàu cho gia đình và quê hương, đất nước, Nhanh đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu và nhận thấy mô hình trang trại tổng hợp với nhiều hình thức chăn nuôi liên kết đang là xu hướng phát triển kinh tế và sẽ đem lại hiệu quả cao, Nhanh đã mạnh dạn vay mượn vốn từ bố mẹ, anh em, bạn bè và bản thân dành dụm tiết kiệm đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Mô hình kết hợp nuôi nhiều con nuôi có giá trị như cá, thỏ, dê, bò, ngan, gà…
Nguyễn Văn Nhanh cho biết: Khi mới bắt tay triển khai thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thời tiết bất thường, cơ sở vật chất thiếu thốn, dụng cụ và kỹ năng kinh nghiệm còn hạn chế nên tôi đã chọn giải pháp quay vòng tái đầu tư, xây dựng mô hình từ nhỏ tới lớn. Tức là lợi nhuận sau mỗi vụ nuôi trồng tôi sử dụng để tái đầu tư và phát triển, mở rộng chăn nuôi sản xuất, theo phương châm làm tới đâu chắc đến đó.
Ngoài ra, để giảm thiểu chi phí, Nhanh đã trực tiếp tham gia làm các công đoạn trong mô hình, từ việc chăm sóc, đến khám, chữa bệnh cho vật nuôi...; chủ động học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ những chủ mô hình thành công, bên cạnh đó còn thường xuyên tìm hiểu, học tập kỹ thuật chăn nuôi cá, thỏ, gà, vịt qua các kênh thông tin truyền thông để có thể áp dụng vào thực tiễn.
Cùng với đó, Nhanh còn nhanh nhạy tiếp cận với các doanh nghiệp để liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm của trang trại, trong đó thỏ được Nhanh chủ yếu xuất bán sang thị trường Nhật; cá được các chủ đầu mối nhanh chóng thu mua...
Qua 5 năm thực hiện, anh Nhanh hoàn toàn yên tâm về mô hình của mình, Nhanh tự tin cho biết: Đến nay mô hình đã đạt được mục tiêu đặt ra. Hiện nay, mô hình của anh có nuôi hơn 1.000 con thỏ, hàng chục tấn cá trắm ốc, hàng trăm con dê... Anh đang có dự định tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trang trại. Mô hình kinh tế này mỗi năm đem lại thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ.
Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, đoàn viên Nguyễn Văn Nhanh còn thường xuyên tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương. Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Được biết, Nguyễn Văn Nhanh đang ấp ủ mong muốn thành lập HTX hoặc tổ hợp tác do anh làm chủ để huy động sức trẻ của các đoàn viên thanh niên khác trên địa bàn xã cùng chung sức phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.
Gặp chúng tôi, Nguyễn Văn Nhanh phấn khởi cho biết: Một niềm vui trong năm 2019 là tôi được nằm trong danh sách khảo sát, hỗ trợ vay vốn của Tỉnh đoàn theo chương trình hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, dự kiến tôi sẽ được vay 300 triệu đồng để phát triển mô hình. Tôi sẽ dùng số tiền này để mở rộng quy mô trang trại và mua giống con nuôi đặc sản.
Bài, ảnh: Kiều Ân