Đoàn kết, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực xây dựng thành phố Tam Điệp phát triển nhanh, bền vững
Thứ Sáu, 16/12/2022, 08:58
Zalo
Cách đây tròn 40 năm, ngày 17/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 200- HĐBT thành lập thị xã Tam Điệp trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Đây là mốc son đánh dấu sự kiện chính trị trọng đại trong đời sống nhân dân vùng đất Đồng Giao - Tam Điệp. 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và của các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tam Điệp đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác tiềm năng, thế mạnh, vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo thế và lực để Tam Điệp bứt phá đi lên trong giai đoạn mới.
Đoàn kết, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực xây dựng thành phố Tam Điệp phát triển nhanh, bền vững
Ngày mới thành lập, thị xã Tam Điệp có xuất phát điểm thấp với nhiều khó khăn: Kết cấu hạ tầng đô thị vừa hạn chế, vừa lạc hậu. Trụ sở làm việc, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở còn thiếu và đơn sơ, một số đơn vị phải mượn nhà dân để làm việc. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp và buôn bán nhỏ. Thu ngân sách ở mức thấp. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn bất cập và tiềm ẩn phức tạp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao (chiếm 30%).
Trước tình hình trên, với quyết tâm xây dựng thị xã Tam Điệp "Giàu về kinh tế; đẹp về nếp sống văn hóa; vững về chính trị; mạnh về quốc phòng - an ninh", bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, trong 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã (nay là thành phố) Tam Điệp đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đề ra nhiều chủ trương, quyết sách nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, thành phố đã ban hành và thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu các ngành, lĩnh vực, nhất là thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp. Từ một địa phương có công nghiệp phát triển nhỏ lẻ, manh mún, đến nay, sản xuất công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Khu công nghiệp Tam Điệp được hình thành từ rất sớm, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hiện tại thu hút trên 70.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt trên 10.300 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ có bước phát triển mới, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 4.398 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 350 triệu USD, gấp hơn 319 lần so với năm 1983; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 646 tỷ đồng, gấp trên 310 lần so với năm 1983.
Cùng với phát triển công nghiệp, những năm qua, thành phố Tam Điệp tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng không gian đô thị. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, thành phố đã huy động trên 700 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung xây dựng mới và nâng cấp nhiều tuyến đường trong và ngoài đô thị. Từ thị xã miền núi, năm 2015, được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh và đến nay Tam Điệp đã trở thành vùng kinh tế động lực phía Tây Nam của tỉnh.
Trong sản xuất nông nghiệp, Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng phục vụ công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu; xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: dứa Tam Điệp, đào phai Tam Điệp, chè Trại Quang Sỏi… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố đạt hơn 681 tỷ đồng, gấp 454 lần so năm 1983; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 142,5 triệu đồng. Hiện toàn thành phố có 8 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao. Thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017.
Song song với phát triển kinh tế, thành phố Tam Điệp chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, toàn thành phố có 100% trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, diện mạo đô thị được đổi mới. 100% các khu dân cư có nhà văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 0,64%.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được đặc biệt chú trọng. Phương thức lãnh đạo không ngừng được đổi mới; ý thức trách nhiệm, đạo đức lối sống, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên có những chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Đến nay, Đảng bộ thành phố có 68 đảng bộ, chi bộ trực thuộc, với trên 6.000 đảng viên, tăng 53 tổ chức cơ sở đảng và trên 4.000 đảng viên so với năm 1982. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội có nhiều tiến bộ, tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và phát triển thành phố. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền.
Khu Trung tâm Thể thao thành phố Tam Điệp được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Lê Hồng
Phấn khởi trước những thành tựu to lớn đã đạt được trong 40 năm xây dựng và phát triển thị xã (nay là thành phố), mỗi cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và người dân Tam Điệp càng nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thời gian tới. Chặng đường phía trước có nhiều thời cơ thuận lợi cho sự phát triển song cũng không ít khó khăn, thách thức. Do đó, các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020- 2025, huy động mọi nguồn lực, xây dựng thành phố Tam Điệp ngày càng phát triển, xứng đáng là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Một là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ và tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, gắn quy hoạch với đào tạo và sử dụng cán bộ hợp lý, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nếp sống văn minh đô thị và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, quan tâm và hướng mạnh về cơ sở, thực chất và hiệu quả…
Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ thương mại; nâng quy mô và hiện đại hóa ngành công nghiệp và chế biến nông sản xuất khẩu. Phát huy lợi thế vùng cửa ngõ Bắc Trung Bộ và kết nối Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, sân Golf Hoàng Gia, cánh đồng dứa Đồng Giao và các cơ sở công nghiệp… xây dựng thành phố với đặc trưng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp xanh để thu hút du khách và phát triển dịch vụ du lịch. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh; ứng dụng khoa học công nghệ về giống cây trồng và kỹ thuật canh tác mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu Đồng Giao; quy hoạch và đầu tư thâm canh nâng cao hiệu quả vùng trồng đào phai và chè xanh Ba Trại... Song song với phát triển kinh tế, cần chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nếp sống văn minh đô thị; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố.
Ba là, thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển mở rộng không gian đô thị, đảm bảo hài hòa giữa khu vực nội thành và khu vực nông thôn, giữa các vùng phía Đông, Đông Bắc và phía Tây Nam của Thành phố. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các tuyến giao thông kết nối tạo động lực phát triển như tuyến đường Đông - Tây, tuyến đường kết nối với cao tốc Bắc Nam, tuyến đường tránh Quốc lộ 1A qua thành phố… hình thành các khu đô thị mới phường Yên Bình, đô thị Bắc Lam Sơn, xã Đông Sơn, khu đô thị phía Đông quảng trường Hoàng đế Quang Trung, khu dân cư Quang Sơn, Tân Bình, Tây Sơn; nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng về giao thông, trường học, y tế, thiết chế văn hóa, chuyển đổi số… Hoàn thành Dự án Nhà máy điện rác Ninh Bình có công xuất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ ngày. Hoàn thành xây dựng Khu công nghiệp Tam Điệp II diện tích 386 ha, Cụm công nghiệp Trung Sơn diện tích 45 ha, lựa chọn thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực có đóng góp lớn cho ngân sách, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường để tạo việc làm và thu nhập cho trên 100.000 lao động. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đất đai, đô thị, môi trường, từng bước tháo gỡ khó khăn, giải quyết các tồn đọng về đất đai kéo dài…
Bốn là, thực hiện tốt công tác quốc phòng quân sự địa phương, giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội, chủ động nắm tình hình giải quyết kịp thời những phát sinh ngay từ cơ sở không để hình thành điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, tạo môi trường thông thoáng, an toàn, hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển thành phố trong những năm tới.
Kỷ niệm 40 năm thành lập đô thị Tam Điệp là dịp để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thành phố thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương. Truyền thống ấy, thành quả ấy là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Điệp tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước đi lên trong chặng đường tới. Với tâm thế tràn đầy niềm tin, nghị lực và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Điệp nguyện tiếp tục đoàn kết, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, quyết tâm xây dựng quê hương phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Nam của tỉnh.
Bùi Thành Đông (TUV, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Tam Điệp)