Nhiều đóng góp vào công tác lập pháp
Một trong những hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tại kỳ họp lần này, đó là Đoàn đã có những ý kiến quan trọng đóng góp vào công tác lập pháp của Quốc hội. Điều này được thể hiện ở tất cả các phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đều tham gia đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện các dự thảo dự án luật cũng như các Nghị quyết, kế hoạch, đề án.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã có gần 10 lượt phát biểu tại hội trường và hàng chục ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ để xem xét và thông qua các luật, nghị quyết như Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Đồng chí Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Việc tham gia ý kiến của Đoàn đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết không chỉ đòi hỏi cao về chất lượng ý kiến mà còn đòi hỏi cao về công sức và yêu cầu khẩn trương về thời gian. Để thực hiện tốt chức năng này, căn cứ vào chương trình xây dựng luật, trên cơ sở chuyên môn được đào tạo của các đại biểu, Đoàn đã phân công cụ thể để đại biểu có sự chủ động trong công tác nghiên cứu thực tiễn, thu thập ý kiến của cử tri, các cơ quan chuyên môn, chuyên gia và các cộng tác viên để chuẩn bị ý kiến tham gia vào các dự án luật. Đối với các dự án bộ luật và luật có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng, Đoàn đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các tầng lớp nhân dân như: Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật về Hội...
Trên cơ sở đa dạng các hình thức thu thập thông tin, Đoàn đã tổng hợp ý kiến tham gia có cơ sở lý luận và thực tiễn góp ý với các cơ quan soạn thảo, đồng thời tập hợp đầy đủ để làm tư liệu nghiên cứu cho các đại biểu tại kỳ họp. Chính vì vậy, tại kỳ họp, nhiều ý kiến tham gia đóng góp xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.
Tham gia quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước
Cùng với hoạt động tham gia lập pháp, tại kỳ họp thứ 2, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cũng đã tích cực thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao để cùng với Quốc hội chỉ ra những khó khăn, bất cập của đất nước hiện nay như: Việc điều hành kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng đầu tư thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của một số dự án; nợ công đang ở mức cao, công tác xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu; những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, quản lý đô thị, môi trường, tệ nạn xã hội, kỷ luật hành chính chậm được khắc phục; tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng...
"Đây là những bức xúc, lo lắng được nhân dân và cử tri Ninh Bình, cử tri cả nước quan tâm và đã được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực. Qua đó đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục nhằm phát triển kinh tế bền vững, ổn định, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng- an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong năm 2017 và các năm tới"- Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh.
Kỳ họp thứ 2 được đánh giá là một trong những kỳ họp có nhiều đổi mới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, với việc đổi mới trong cách thức tổ chức, điều hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn, đồng thời có nhiều đổi mới trong việc quyết định và thông qua các nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. Trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Thảo luận tại hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã đề xuất các giải pháp đầu tư mạnh mẽ cho nông nghiệp. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng: Tái cơ cấu nền kinh tế là một yêu cầu khách quan và đòi hỏi cấp bách của thực tế nền kinh tế nước ta. Sau hơn 2 năm triển khai đã có được những kết quả khẳng định được chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tái cơ cấu nền kinh tế là rất đúng đắn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, để tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, có nhiều việc phải làm, từ công tác quy hoạch đất đai, quy hoạch thủy lợi, giao thông đến quy hoạch nội bộ ngành theo lĩnh vực trồng trọt, nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, dịch vụ kinh doanh nông nghiệp….đến cơ chế chính sách, ứng dụng khoa học kỹ thuật-công nghệ, tổ chức sản xuất, nhân lực, chế biến, thị trường, quản lý Nhà nước và việc tổ chức thực hiện.
Tham gia kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập trung nghiên cứu, tích cực phát biểu ý kiến, đóng góp trí tuệ trong việc biểu quyết các dự án luật hoặc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước. Và với những lập luận sắc sảo, có cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu. Bằng những hoạt động cụ thể, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của kỳ họp, tăng thêm niềm tin cho cử tri vào chặng đường phát triển của Quốc hội, đất nước.
Đinh Ngọc