Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên khu di tích, ông Hoàng Công Đĩnh, người trông coi đình Mống tự hào kể: Đình Mống tọa lạc trên khu đất rộng 1.300 m2. Trước Cách mạng tháng Tám, di tích thuộc thôn Ngọc La và thôn Mống Trạch, xã Yên Mông (huyện Nho Quan). Sau năm 1945, dưới chính quyền cách mạng, di tích được đặt tên là đình Mống. Điểm nổi bật của di tích đình Mống là ở thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, giai đoạn 1946 - 1954, nơi đây ngày 16/1/1951, Đại đoàn 320 (Đồng bằng) được thành lập do đồng chí Văn Tiến Dũng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị khi đó là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy; đồng chí Vũ Oanh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị lúc đó làm Phó Chính ủy. Sự ra đời của Đại đoàn 320 đã đánh dấu sự trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Sau khi được thành lập, Đại đoàn đã tỏa đi khắp các chiến trường và lập nhiều chiến công. Không chỉ là nơi thành lập Đại đoàn 320 mà đình Mống còn là khu căn cứ địa ghi dấu nhiều chiến công của bộ đội địa phương. Theo lý lịch di tích đình Mống và theo lịch sử Đảng bộ Hoàng Long: ngày 15/10/1953, tại đình Mống, Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nam Ninh Bình đã điều động một bộ phận của Đại đoàn 320 kết hợp với bộ đội địa phương chiến đấu và giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc càn quét của Pháp. Ngày 3/11/1953, không cam chịu thất bại địch lại tiếp tục hành quân đến khu vực đình Mống và bị lọt vào trận địa phục kích của quân ta. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt giữa tiểu đoàn của địch với bộ đội chủ lực của Đại đoàn 320 cùng một tiểu đội của du kích do Quách Đình Huống, người dân tộc Mường làm tiểu đội trưởng. Sau 45 phút chiến đấu, quân ta đã diệt gọn hai đại đội địch và đánh tan một đại đội khác. Như vậy, đình Mống trở thành nơi chở che, bảo vệ các đơn vị bộ đội, là căn cứ địa của Đại đoàn 320, góp phần vào thắng lợi trong chiến dịch Tây Nam Ninh Bình, đập tan cuộc hành quân Hải Âu của thực dân Pháp, tạo đà và mở màn cho chiến thắng lịch sử vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954.
Nhằm ghi dấu địa danh diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, ngày 22/12/1994, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã cùng với Ban chỉ huy Đại đoàn 320 dựng bia tưởng niệm tại đình Mống nhân kỷ niệm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân ảnh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Quang cho biết: Đình Mống vốn là một ngôi đình cổ. Năm 2015, được sự quan tâm của các cấp và Sư đoàn 320 (Đại đoàn 320 Đồng bằng), khu di tích đã được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, tạo thuận lợi cho nhân dân trong vùng và du khách thập phương thăm viếng. Di tích lịch sử đình Mống là địa danh gắn liền với các cuộc đấu tranh vệ quốc của người dân Yên Quang nói riêng và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói chung. Hiện nay địa phương vẫn tiếp tục bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa lịch sử, tâm linh rất lớn không chỉ của xã mà còn của cả tỉnh Ninh Bình.
Đình Mống được kiến trúc theo kiểu "tiền nhất, hậu đinh". Hiện nay, nơi này vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật thờ tự như sắc phong, các bức hoành phi câu đối, long đỉnh, kiệu, giá trống, bản chúc... Đình Mống là nơi thờ các vị anh hùng dân tộc người Mường, trong đó có cai Giá và Hiệp Đề là hai vị lang Mường đã cùng Phạm Văn Nghị đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược năm 1889. Theo ông Hoàng Công Đĩnh, hàng năm vào ngày 6 và mùng 7 tháng Giêng, nhân dân trong làng tổ chức lễ hội khai xuân tại đình Mống để dâng hương, cúng tế, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, may mắn và sức khỏe. Tham gia lễ khai xuân, đồng bào các dân tộc còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi dân gian như chơi đu, ném còn, chọi gà, hát đúm, đánh cờ tướng... Đinh Tuấn Anh, Bí thư Đoàn xã Yên Quang chia sẻ: Từ nhỏ, chúng tôi đã được nghe về lịch sử hào hùng của di tích đình Mống. Không chỉ tự hào, chúng tôi còn nhận thức được trách nhiệm của mình đối với một chứng tích ghi dấu bao công lao của các thế hệ ông cha. Hàng năm, đoàn thanh niên xã thường xuyên tổ chức các hoạt động như dọn vệ sinh môi trường, tham gia bảo tồn để di tích lịch sử ngày càng khang trang, sạch đẹp, trở thành điểm đến, niềm tự hào của người dân địa phương.
Năm 2004, đình Mống đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh và trở thành điểm tham quan du lịch về nguồn lý tưởng. Đến với đình Mống, ngoài các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, du khách còn được tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc và chắc hẳn điều đọng lại trong mỗi người là niềm tự hào, sự tri ân sâu sắc đối với những tấm gương anh hùng đã ngã xuống cho nền độc lập của đất nước.
Bài, ảnh: Mai Lan