Chọn trường "vừa sức"
Cũng như mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm trước, năm nay, lượng hồ sơ tập trung vào những trường mà điểm thi tuyển sinh ở mức "thường thường bậc trung" như: Đại học Công nghiệp, Đại học Nông nghiệp I, Thương mại... của thí sinh Ninh Bình khá đông: Đại học Công nghiệp 2.339 hồ sơ, Đại học Nông nghiệp I 1.387 hồ sơ, Đại học Thương mại 960 hồ sơ... Hỏi chuyện em Nguyễn Hồng Minh (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - thành phố Ninh Bình) được biết: Lực học của em chỉ trung bình khá nên em không tự tin để nộp hồ sơ thi vào trường Đại học Tài chính kế toán hay Học viện Ngân hàng. Vì vậy, em chọn dự thi vào trường Đại học Nông nghiệp I vì qua nhiều năm em thấy trường này có điểm chuẩn không quá cao, thậm chí có những khoa chỉ 15, 16 điểm...
Những năm gần đây, việc thi tuyển đại học, cao đẳng luôn có sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh và gia đình nên việc định hướng thi khối nào, ngành nào cho phù hợp với sức học được nhiều gia đình chú tâm. Không còn suy nghĩ viển vông là cứ đi thi đại học cho biết, năm sau tính tiếp như một số học sinh vẫn nghĩ và mặc sức lựa chọn các trường "nghe" sao cho "kêu", cho "oách", những năm gần đây, do làm tốt công tác định hướng ngành nghề ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, được các thầy cô giúp đỡ, định hướng, tư vấn cùng với sự phối hợp của gia đình nên nhiều học sinh đã có sự lựa chọn khối thi, trường thi phù hợp. Đặc biệt là không đăng ký dự thi nhiều trường vừa gây lãng phí về tiền bạc, vừa ảnh hưởng đến việc chuẩn bị công tác thi của các trường đại học, gây hiện tượng hồ sơ ảo. Bên cạnh đó, ghi nhận từ kỳ thi tuyển sinh năm nay là có khá nhiều thí sinh lựa chọn các trường cao đẳng để dự thi. Trong tổng số 22.396 hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh Ninh Bình, có tới 32% hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường cao đẳng. Điều này cho thấy sự lựa chọn ngành thi, trường thi, khối thi của thí sinh đã bám sát khả năng và nhu cầu thực tế.
Khối xã hội - nhân văn dần... mất ưu thế
Còn nhớ thời chúng tôi dự thi đại học, cách đây hơn chục năm, việc đăng ký dự thi và thi đỗ các trường Đại học Luật khối C, Sư phạm Văn, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn... luôn là niềm mơ ước của nhiều người. Thế hệ đi trước chúng tôi, có nhiều người đã thành đạt và thành danh với những nghề nghiệp thuộc khối xã hội và nhân văn, luôn là tấm gương để chúng tôi ngưỡng mộ và học tập. Nhưng kể ra chuyện này vào thời điểm hiện tại, đối với nhiều bạn trẻ, đó có lẽ chỉ nên xếp vào trang kỷ niệm đẹp của bố mẹ, anh chị. Bây giờ, khi phải lựa chọn ngành nghề, bắt đầu từ việc lựa chọn khối thi, trường thi, nhiều bạn trẻ đã tỏ rõ... tính thực tế. Đỗ Ngọc Anh (học sinh Trường THPT Yên Mô B) cho biết: Cứ theo gương các anh chị ở xóm em, phải học các trường thuộc khối kinh tế, công nghệ thì sau này ra trường mới mong có được việc làm "ngon" và thu nhập cao. Còn nếu thi khối C với mấy ngành như: ngôn ngữ, xã hội học... vừa khó xin việc lại có thu nhập thấp. Suy nghĩ của Ngọc Anh không phải là cá biệt mà là của số đông bạn trẻ hiện nay, nhất là các bạn đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học, cao đẳng sắp tới. Điều này thể hiện rõ qua số lượng hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, trong tổng số 1.356 hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi, chỉ có 17- 18% hồ sơ đăng ký thi khối C, còn lại phần lớn là khối A, D với các trường thuộc "tốp" đầu như: Ngoại thương, Y Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Kinh tế quốc dân... Trao đổi với thầy giáo Phạm Văn Đằng, Hiệu trưởng nhà trường chúng tôi được biết thêm: Khối C ít hồ sơ vì đúng là những năm gần đây những sinh viên học các trường đại học thuộc khối xã hội và nhân văn tốt nghiệp ra trường rất khó xin việc. Đặc biệt, đây là khối mà có nhiều ngành học không thể tìm việc làm ở các công ty, doanh nghiệp ngoài Nhà nước, mà chỉ có thể xin việc ở các cơ quan Nhà nước. Ngay ở Trường Lương Văn Tụy, có nhiều em học sinh học lớp chuyên Văn nhưng không thi khối C mà lựa chọn thi khối D vì đây là khối có nhiều sự lựa chọn trường thi, ngành thi.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, do nhu cầu phát triển kinh tế, các ngành công nghệ, kỹ thuật thu hút một lượng nhân lực lớn với cơ hội việc làm cao và thu nhập tốt. Vì vậy, các trường đại học kinh tế, công nghệ luôn là những trường hấp dẫn và thu hút thí sinh là điều dễ hiểu.
Thực tế ở những trường đại học mà có những ngành học tuyển sinh nhiều khối, khi vào học cùng học chung một nội dung nên không có cơ sở để phân biệt đâu là sinh viên thi khối A, thi khối C, khối D như: Đại học Luật, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Hà Nội... Chỉ có kết quả học tập hàng năm mới là "thước đo" để đánh giá xem đâu là sinh viên có học lực tốt, sinh viên xuất sắc. Ngay trong việc tuyển dụng của nhiều công ty, doanh nghiệp lớn, yêu cầu về người lao động cần phải có những kiến thức xã hội nhất định cộng với trình độ chuyên môn theo yêu cầu thì mới hy vọng "lọt" vào "mắt xanh" của nhà tuyển dụng. Chính vì lẽ đó mà mặc dù thuộc khối có số lượng hồ sơ dự thi không nhiều, nhưng những thí sinh đăng ký dự thi các trường thuộc khối xã hội và nhân văn vẫn tự tin vào sự lựa chọn tương lai cho mình vì theo các em "để trở thành một nhân viên giỏi, không chỉ giỏi về chuyên môn mà phải có một nền tảng kiến thức xã hội vững chắc".
Phan Hiếu