Xã Quang Sơn (thị xã Tam Điệp) là xã nằm cách xa trung tâm thị xã với dân số chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng, Trường Mầm non của xã được xây dựng khá khang trang, sạch đẹp. Đến thăm trường, các phòng chức năng, phòng học được bố trí khoa học, sạch sẽ, nhất là khu bếp ăn thoáng đãng, hợp vệ sinh, đảm bảo việc tổ chức nuôi dạy 356 cháu trong độ tuổi mầm non ra lớp. Cô giáo Trần Thị Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xác định tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng đối với sự phát triển về thể chất của trẻ nên hoạt động của bếp ăn trong nhà trường được quan tâm chu đáo. Khu vực nhà bếp có diện tích 38 m2 được xây dựng theo quy trình bếp 1 chiều. Nơi chế biến, bếp nấu, chỗ chia thức ăn... được sắp xếp ngăn nắp. Nhà trường phân công 5 cô giáo làm nhiệm vụ cô nuôi. Các cô nuôi đều qua lớp đào tạo và tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với thực phẩm hàng ngày, nhà trường ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn. Ngay tại trường còn trang bị tủ lạnh để làm nơi lưu mẫu thực phẩm, đề phòng ngộ độc thực phẩm. Hàng ngày, hàng tuần, theo thực đơn dinh dưỡng đã xây dựng sẵn, bữa ăn cho các cháu được chuẩn bị để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cân đối, đầy đủ, phù hợp với từng lứa tuổi. Khi cho con đến trường, nhiều gia đình còn thỉnh thoảng "kiểm tra" để xem con mình được chăm sóc, ăn uống ra sao. Thấy các bữa ăn của các cháu đầy đủ, phong phú như vậy, nhiều ông bố, bà mẹ yên tâm cho con đến lớp. Năm học 2004 - 2005 số trẻ được nuôi tại trường đạt 97% so với số trẻ đến trường với mức ăn lúc đó là 3.000 đồng /ngày/trẻ với chế độ ăn 2 bữa chính là 1 bữa phụ, năng lượng đạt từ 650 - 735 calo/ngày/trẻ. Đến năm học này, số cháu được nuôi bán trú tại trường đạt 100% với mức ăn 10.000 đồng /ngày, năng lượng đảm bảo từ 735 - 882 calo/ngày/trẻ. Hàng năm, 100% trẻ được cân, đo, khám sức khỏe theo quy định, kết quả là: Toàn trường có 95,6% trẻ có cân nặng bình thường, còn 4,4% trẻ suy dinh dưỡng thể cân nặng, 92% trẻ có chiều cao bình thường, còn 8% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi độ I. Bên cạnh việc chú trọng dinh dưỡng cho các bữa ăn cho trẻ, nhà trường còn quan tâm phục hồi dinh dưỡng cho các cháu bị suy dinh dưỡng và có biện pháp hạn chế sự tăng cân ở trẻ béo phì.
Vấn đề dinh dưỡng cho trẻ tại các trường Mầm non được đặc biệt quan tâm và thực hiện chu đáo, khoa học. Ngược lại, ở các lớp mầm non tư thục, các nhóm, lớp do cá nhân đứng ra tổ chức... thì vấn đề dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chị Trần Thị Khuyên (phường Nam Bình) có con lên 2 tuổi học ở lớp tư thục mầm non ngay gần nhà chia sẻ: Ban đầu, chỉ có bữa ăn sáng là chị tự lo cho con, còn lại các bữa ăn trong ngày, chị "khoán" gọn cho cô giáo ở lớp mầm non và luôn yên tâm vì ngày nào đến đón con, cô giáo cũng thông báo cháu ăn tốt, chơi ngoan. Cho đến một hôm, đi chợ gặp chị bạn học thời phổ thông giờ đang bán thực phẩm tại chợ phường, trò chuyện một hồi, biết chị Khuyên có con đang gửi học ở lớp mầm non tư thục đó, chị bạn thật thà kể: Cô giáo ở lớp ấy vẫn mua thịt nhà mình. Mà hay mua muộn cho rẻ. Mà hình như thịt là món chủ đạo của các cháu nên hầu như ngày nào cũng mua... Về nhà hỏi lại cháu bé lên 4 tuổi ở gần nhà cũng đang học cùng lớp mầm non với con, được cháu cho biết: Ngày nào cũng ăn thịt băm với giá hoặc bí xanh, có hôm ăn trứng... Thấy lo vì nguồn thực phẩm cho các bữa ăn của con mình vừa không phong phú lại còn không tươi ngon, không đảm bảo dinh dưỡng cho con nên chị đã chuyển gửi con vào một trường mầm non công lập. Cũng trong tâm trạng lo lắng và băn khoăn như chị Khuyên, tìm hiểu tại một số lớp mầm non tư thục, nhóm, lớp do cá nhân quản lý, được biết việc ăn uống cho các cháu được trông giữ tại đây do người quản lý tự lo, từ việc đi chợ, nấu ăn... cho đến việc tổ chức cho các cháu ăn. Không thể khẳng định 100% các lớp mầm non tư thục, các nhóm, lớp tư nhân chưa chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng cho các bữa ăn của trẻ, nhưng không thể phủ nhận rằng nếu như nhận thức, trình độ của người phụ trách, quản lý các lớp mầm non kể trên còn hạn chế hoặc tổ chức trông giữ trẻ "nặng" tính kinh tế thị trường thì chẳng ai chắc chắn được con em mình đã được chăm sóc, nuôi dạy khoa học, đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển về thể chất của trẻ. Chính vì vậy, khi con cái đến độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về cách thức, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng của các nhóm, lớp mầm non tư thục để con em mình được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất.
Lý Nhân