Năm 1984, sau khi xuất ngũ, ông Hệ trở về quê lập nghiệp bằng chính những sào ruộng của ông cha để lại. Thế nhưng, đất đai ở đây lại kém phì nhiêu, nhiều ruộng trũng, sình lầy, chỉ sản xuất được 1 vụ ăn chắc, còn lại bấp bênh do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Thu nhập chính từ làm ruộng nên đời sống gia đình ông Hệ cũng như nhiều nông dân trong vùng gặp không ít khó khăn. Với bản lĩnh người lính, ông Hệ chưa bao giờ cho phép mình lùi bước trước những gian truân. Ông luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để khắc phục những bất cập trong sản xuất, tìm ra những loại cây, con mới thay thế cây, con cũ không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Qua tìm hiểu sách, báo, ông biết đến mô hình trồng sen kết hợp thả cá. Năm 2007, ông mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện được đấu thầu 4 ha khu ruộng đất trũng, sình lầy để làm điểm mô hình trồng sen, thả cá. Ông Hệ chia sẻ: Khi mới bắt tay vào triển khai mô hình, tôi đã gặp không ít khó khăn, do kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác chưa nhiều, nguồn vốn lại hạn hẹp, có lúc tưởng chừng như thất bại. Song, những lúc gian khó, vợ chồng tôi luôn động viên nhau, phải cố gắng nỗ lực hết mình, bởi tôi luôn tin, tâm niệm rằng "đất không phụ công người" và "có niềm tin ắt sẽ có thắng lợi". Vào thời điểm ấy, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Hội CCB phường, gia đình tôi đã được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để tiếp tục đầu tư trồng sen, thả cá kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, vịt. Nhờ vậy, việc thực hiện mô hình cũng trở nên dễ dàng hơn...
Nhận thấy thu nhập từ mô hình trồng sen, thả cá cho hiệu quả cao gấp nhiều lần so với cấy lúa, năm 2013, ông Hệ đã đề xuất với Đảng ủy, UBND phường Tân Bình triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, trong đó chú trọng nhân rộng mô hình "Chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp với nuôi cá". Sau đó 1 năm (năm 2014), Đảng ủy phường Tân Bình đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi ruộng trũng, đi kèm với các chính sách đấu thầu, giao khoán đồng ruộng, ao hồ trồng sen, thả cá, chăn nuôi thủy sản và gia súc, gia cầm, cho nông dân. Nhờ đó, nhiều hộ dân trong vùng đã mạnh dạn chuyển diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá và hiện nay diện tích trồng sen của địa phương đã đạt trên 70 ha.
Theo ước tính bình quân, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Hệ thu về hơn 100 triệu đồng từ mô hình trồng sen, thả cá. Ngoài tạo việc làm cho gia đình, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động ở địa phương, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Đinh Đức Hệ còn thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật trồng sen, chăn nuôi gà, vịt, thả cá, giúp hội viên CCB, hội nông dân và các xã viên HTX cùng phát triển. Đến nay, nhiều nông dân đã làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản hạt sen. Sản phẩm hạt sen được đánh giá cao, không chỉ là sản phẩm tốt dùng trong đông y mà còn được dùng nhiều trong bữa ăn hàng ngày. Hiện thị trường đầu ra của sản phẩm hạt sen tương đối ổn định. Ngoài thu gom hạt sen để bán, các hộ trồng sen ở phường Tân Bình còn phát triển thêm các dịch vụ du lịch sinh thái, chụp ảnh… để tăng nguồn thu nhập.
Thành công từ mô hình trồng sen, thả cá đã khẳng định đây là hướng đi đúng cho vùng đất trũng ở phường Tân Bình. Điều mà ông Đinh Đức Hệ rút ra trong quá trình triển khai mô hình trồng sen, thả cá, đó là không ngại khó, ngại khổ, biết học hỏi từ nhiều nguồn thông tin khác nhau và hơn hết là phải nhạy bén, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm. Đồng thời, phải có niềm đam mê và biết đặt niềm tin đúng chỗ. Là người năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiệt tình với công việc nên ông Đinh Đức Hệ được bà con lối xóm tin tưởng bầu giữ nhiều vị trí quan trọng ở địa phương như: Tổ trưởng tổ dân phố; Bí thư chi bộ và hiện nay ông đang được bà con xã viên tin tưởng bầu giữ chức Giám đốc HTX Nông nghiệp phường Tân Bình.
Mai Lan