Nghị quyết về điều chỉnh mức học phí được đánh giá là nguồn bổ sung tài chính quan trọng, thể hiện sự chia sẻ chi phí giữa Nhà nước, xã hội và người học để phục vụ dạy và học ở các trường đạt mức cần thiết, nhằm đảm bảo và ngày một nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời còn là động lực để thực hiện chủ trương của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Trường THCS Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) được công nhận trường THCS đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2005. Từ đó đến nay, nhà trường không được đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học, hàng năm nhà trường tự cân đối nguồn ngân sách Nhà nước cấp cộng với trích 60% từ thu học phí để chi cho các hoạt động thường xuyên, tu sửa, bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường. Thầy giáo Nguyễn Đức Tính, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tuy là trường thuộc thành phố, nhưng số lượng học sinh của nhà trường ít, trung bình hàng năm khoảng hơn 300 học sinh, với mức học phí hiện thu cho các cấp học của nhà trường là 20.000 đồng/học sinh/tháng, nên phần trích lại cho các hoạt động của nhà trường từ thu học phí mỗi năm khoảng hơn 30 triệu đồng. Trong khi đó, chi cho các hoạt động của nhà trường 1 năm hết khoảng 130 triệu đồng. Vì thế, phần trích lại từ học phí còn quá ít, chỉ mới đáp ứng được một số hoạt động của nhà trường. Để chia sẻ "gánh nặng" cho ngân sách Nhà nước, chúng tôi cho rằng điều chỉnh học phí là phù hợp.
Thực trạng của Trường THCS Ninh Phong cũng là tình trạng chung các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, mức học phí của các cơ sở giáo dục đang áp dụng được xây dựng từ năm 1998 theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với tỉnh ta, mức thu học phí được áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐ ngày 26-7-2001 và Quyết định số 1718/QĐ-UBND ngày 27-8-2001 của UBND tỉnh. Còn các cơ sở dân lập, tư thục do các trường tự quyết định. Trong khi đó, từ năm 1998 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng gấp 2,53 lần, mức lương tối thiểu cũng được điều chỉnh tăng gấp 5 lần; nguồn thu học phí hàng năm phải dành 40% để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định của Chính phủ, trong khi nguồn thu học phí không tăng, nên phần kinh phí phục vụ cho chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư cơ sở vật chất, sách, thiết bị ngày càng hạn chế, không đủ bù đắp cho hoạt động thường xuyên của các cơ sở giáo dục ở mức tối thiểu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.
Cùng với khó khăn trong việc triển khai các hoạt động do thiếu kinh phí, nhiều cơ sở giáo dục không thể phát huy được ưu thế tự chủ do nguồn ngân sách cấp hàng năm còn hạn hẹp, mức thu học phí rất thấp và cố định nhiều năm nên nhiều cơ sở giáo dục không thể có đủ nguồn lực để bổ sung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giáo viên theo quy định của cơ chế. Đồng chí Phạm Đình Giang, Trưởng phòng Giáo dục huyện Gia Viễn cho rằng: Đối với ngành Giáo dục thì sự điều chỉnh mức học phí trong những năm học tới đảm bảo hợp lý với sự phát triển của xã hội là điều mong muốn của ngành, vì trong thực tế các cơ sở giáo dục rất khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động, kinh phí chưa đáp ứng được các yêu cầu chi cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở mức tối thiểu và không có điều kiện bổ sung cơ sở vật chất, sách, thiết bị dạy học. Theo thống kê ở địa phương, mỗi trường công lập một năm học được chi khoảng 60-70 triệu đồng cho mọi hoạt động của nhà trường (chi cho thi, tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn, tu sửa cơ sở vật chất, các hoạt động chuyên môn…), cho nên việc cân đối thu - chi của một nhà trường rất eo hẹp. Bên cạnh đó, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho dạy và học được Bộ cấp 1 lần, qua thời gian bị hư hỏng, hao mòn phải bổ sung thường xuyên mới đáp ứng được ứng dụng theo chương trình giảng dạy… Chưa kể, khó khăn nhất trong nguồn kinh phí chi thường xuyên của các cơ sở bán công và Trung tâm GDTX còn ở mức độ ít và thấp hơn nhiều so với các cơ sở công lập (mức kinh phí chi công việc tính bình quân/tháng đối với cơ sở giáo dục mầm non chỉ bằng 1/2 cấp THCS; cơ sở giáo dục bán công và Trung tâm GDTX chỉ bằng 1/3 cấp THPT).
Trước thực tế còn nhiều bất cập, việc điều chỉnh mức học phí, học phí nghề, học phí học các môn tự chọn đối với giáo dục Mầm non và giáo dục Phổ thông của tỉnh trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh là một đòi hỏi hết sức cần thiết và cần nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mỗi gia đình.
Hồng Vân