Điểm sáng Gia Tân
Về xã Gia Tân những ngày cuối năm, đi trên những con đường mới trải bê tông phẳng lỳ, ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng san sát... chúng tôi cảm nhận rõ nét sự đổi thay ở miền quê này. Niềm vui hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hòa, người dân xóm Tân Hối chia sẻ: "Trước đây, cuộc sống của người dân Tân Hối còn gặp rất nhiều khó khăn. Đường làng, ngõ xóm chật hẹp, lầy lội, đi lại khó khăn. Từ khi bê tông hóa và mở rộng các tuyến đường, việc đi lại đỡ vất vả, nhiều dịch vụ được mở rộng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt…"
Ông Lâm Văn Vĩnh, xóm trưởng xóm Tân Hối tự hào khoe với chúng tôi: Tân Hối là một trong những xóm có phong trào làm đường giao thông tốt nhất của Gia Tân. Chỉ trong 2 năm (2012 và 2013) toàn xóm đã tiến hành đổ bê tông được 1.800/1.900 m đường giao thông trong xóm. Các con đường này đều đảm bảo mặt đường tối thiểu 2,5 m, hai bên lề đường đều bố trí rãnh thoát nước. Ông Vĩnh chia sẻ thêm: Buổi đầu phát động cũng gặp không ít khó khăn nhưng xác định xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ mỗi người, mỗi nhà, xóm chúng tôi đã tổ chức hàng chục cuộc họp để triển khai, quán triệt… quyết tâm xây dựng NTM thành công. Chúng tôi đã tích cực "đến tận ngõ, gõ từng nhà", kiên trì tuyên truyền, vận động để mọi người dân đều hiểu về lợi ích thiết thực của phong trào, nhờ vậy không chỉ cán bộ, đảng viên mà đông đảo nhân dân trong xóm đã có nhiều hành động, việc làm thiết thực cùng chung tay, góp sức xây dựng NTM. Có những nhà đóng góp tới 7-8 trăm nghìn đồng/khẩu để làm đường giao thông.
Ông Đặng Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân cho biết: Xây dựng cơ bản là khâu quan trọng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở, thay đổi diện mạo và tạo điều kiện thuận tiện để kinh tế phát triển, nâng cao đời sống cho người dân, do vậy, bên cạnh những công trình nhà nước đầu tư trực tiếp, năm 2013 xã đã vận động nhân dân đóng góp cùng với nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh làm được 6.366 m đường giao thông nông thôn. Đồng thời làm 800 m đường trục thôn và các ngõ xóm thôn Thiện Hối từ nguồn kinh phí dự án, các doanh nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, đã tiếp nhận dự án công trình đường trục thôn Tùy Hối do Quân chủng Hải Quân tài trợ với tổng chiều dài 2.500 m, trị giá hơn 9 tỷ đồng, tổ chức thi công xây dựng lớp mầm non Tân Hối với quy mô 2 phòng học, diện tích 120 m2 trị giá 686 triệu đồng do Công ty Đầu tư và Quản lý tài sản á châu và Công ty TNHH MTV dịch vụ và khảo sát công trình ngầm PTSC tài trợ.
Xây dựng NTM không chỉ là xây dựng kiến trúc hạ tầng, mà quan trọng hơn là làm sao để đời sống người dân được nâng cao, nếp sống văn hóa, cảnh quan môi trường sạch đẹp. Chính vì thế, việc đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế luôn được Đảng ủy và chính quyền xã Gia Tân quan tâm thực hiện bằng các giải pháp cụ thể. Trong đó chú trọng đến công tác đào tạo nghề cũng như vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ tín dụng cho học sinh nghèo và người dân có vốn sản xuất; mở rộng các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các con nuôi đặc sản. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 5,35% (giảm 0,47% so với năm 2012). Thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm. Và qua rà soát mới đây, Gia Tân là một trong 3 xã đạt nhiều tiêu chí NTM nhất của huyện Gia Viễn với 12/19 tiêu chí đã hoàn thành. Riêng năm 2013, xã đã hoàn thành thêm 5 tiêu chí, đó là: môi trường, cơ cấu lao động, nhà ở dân cư, chợ nông thôn, điện.
Tươi đẹp bức tranh nông thôn mới
Năm 2013, huyện Gia Viễn đã huy động được hơn 485 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó vốn ngân sách nhà nước là 49 tỷ đồng; vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là 12,8 tỷ đồng; kinh phí nhân dân, đóng góp là 18,3 tỷ đồng. Trong năm huyện cũng đã tiếp nhận gần 4 nghìn tấn xi măng của tỉnh hỗ trợ cho các xã để nâng cấp, làm mới 44,31 km đường giao thông nông thôn với 542 tuyến đường. Sửa chữa và xây mới 5 nhà văn hóa thôn, nâng cấp 3 chợ nông thôn đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các xã cũng đã tập trungkiên cố được hơn 3 km kênh tưới với tổng kinh phí 21 tỷ đồng, đưa tỷ lệ kiên cố hóa kênh tưới cấp 1 đạt 97%.
Trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Gia Viễn tập trung vào việc đào tạo nghề, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT phát triển nghề chăn nuôi gà sinh học tại xã Gia Sinh; tổ chức 12 lớp dạy nghề may công nghiệp, thêu ren, làm nấm rơm cho 386 lao động nông thôn; giải quyết việc làm cho 5.850 lao động nông thôn. Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, kinh tế nông thôn ổn định và từng buớc phát triển, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2013 còn 5,61%, giảm 1,24 % so với năm 2012.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó ban chỉ đạo xây dựng NTM, Phó phòng NN&PTNT huyện Gia Viễn cho hay: Sau hơn 3 năm dồn lực triển khai NTM ở 20/20 xã, huyện đã thu được những kết quả khả quan bước đầu. Cụ thể, ngoài xã Gia Sinh đã cơ bản đạt 17/19 tiêu chí, 7 xã là Gia Thanh, Gia Tân, Gia Lập, Gia Phương, Gia Trấn, Gia Hòa, Gia Thắng cũng đã đạt được 10-12 tiêu chí, số xã đạt chuẩn 5-9 tiêu chí là 11 xã, số xã đạt chuẩn dưới 5 tiêu chí chỉ còn 1 xã. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã của toàn huyện hiện nay là 8,5 tiêu chí. Trong đó các xã điểm là 12,75 tiêu chí; các xã ngoài điểm là 7,43 tiêu chí.
Trong thời gian tới, Gia Viễn sẽ tiếp tục khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tăng cường lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án; quan tâm xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, giải quyết các vấn đề môi trường. Tiếp tục đầu tư thực hiện tiêu chí giao thông và thủy lợi. Phấn đấu đến hết năm 2014 cả 4 xã điểm đạt tiêu chí giao thông. Tập trung nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo mô hình trang trại có giá trị kinh tế cao; tăng cường hỗ trợ cơ giới hóa vào sản xuất. Tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, phấn đấu đến hết năm 2014 có 7 xã thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa. Có kế hoạch phát triển mô hình hợp tác xã, tổ dịch vụ tổng hợp (dịch vụ tưới, tiêu nước, thu gom rác thải, quản lý hoạt động chợ nông thôn…) để sử dụng hiệu quả các công trình sau đầu tư và tăng cường công tác bảo vệ môi trường.
Hà Phương