Ông Vũ Xuân Tiến, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn Bãi Trữ cho biết: Để nhân dân trong thôn hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dồn điền, đổi thửa, chúng tôi đã cùng các tổ chức đoàn thể tuyên truyền tại các hội nghị của mỗi đoàn thể, kết hợp với việc đến từng hộ dân để vận động, đồng thời giao cho cán bộ, đảng viên nêu gương trong triển khai thực hiện. Thông qua 11 cuộc họp, nhân dân đã nhất trí, đồng thuận cao với chủ trương này. Từ chỗ mỗi hộ có từ 2 đến 4 mảnh ruộng, nay chỉ còn 1 mảnh duy nhất.
Được biết, sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, diện tích đất công ích của xã được để gọn vùng, khắc phục được tình trạng manh mún, tạo thành những ô thửa lớn để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất lao động… Tuy nhiên cũng theo ông Vũ Xuân Tiến: Mọi điều kiện canh tác đã rất thuận lợi, chỉ duy nhất hình thức canh tác truyền thống dường như vẫn còn làm cho người nông dân phải vất vả. Chính vì vậy, Tổ dân vận đã tham mưu cho cấp ủy, chi bộ thực hiện mô hình chuyển đổi từ cấy lúa truyền thống sang gieo vãi. Trong triển khai, Tổ cũng là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, vận động nhân dân.
Trước khi bắt tay vào thực hiện, Tổ cùng cán bộ thôn đi tham khảo cách thức, kỹ thuật của các địa phương về phổ biến cho nhân dân từ khâu điều tiết nước, khâu làm đất, khâu ngâm ủ giống đến cách thức gieo vãi và cách thức chăm bón, tỉa dặm sau khi cây lúa sinh trưởng và phát triển. Được biết, phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với cấy truyền thống như nhanh, gọn, giảm chi phí. Tuy nhiên, trong khâu chăm sóc đòi hỏi bà con nông dân phải thực hiện đảm bảo các biện pháp kỹ thuật. Nhớ lại ngày đầu triển khai, ông Tiến nói: Không dễ để thay đổi tập quán canh tác đã tồn tại bao đời nay.
Chúng tôi hiểu điều đó nên lường trước được những khó khăn sẽ gặp phải, trong đó khó khăn nhất chính là tư tưởng của một số hộ dân chưa thực sự yên tâm, còn hoài nghi lo sợ năng suất lúa gieo vãi không được bằng lúa cấy. Vì vậy, các thành viên trong Tổ đều thống nhất cần phải kiên trì theo phương châm "mưa dầm thấm lâu", vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm từ diện tích nhỏ tới diện tích lớn...
Tuy giai đoạn đầu gặp nhiều thách thức nhưng cán bộ thôn đều năng động, nhanh nhạy tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, tận tụy trong việc điều hành sản xuất. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, chúng tôi tăng cường phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa gieo vãi tới bà con nông dân. Đồng thời cán bộ tới từng khu dân cư để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của các hộ nông dân.
Đến nay thôn đã qua 7 vụ gieo vãi, từ chỗ chỉ gieo vãi 18 mẫu, tăng dần lên 23 mẫu rồi 46 mẫu và nay đạt 69/91 mẫu diện tích đất 2 lúa (còn một số diện tích làm trang trại và diện tích đất không gieo vãi được). Năng suất tăng so với cấy lúa theo phương thức truyền thống từ 13% đến 19% và giảm được rất nhiều thời gian cũng như công lao động của nông dân, nhất là công cấy.
Thực tế, vừa qua Tổ dân vận thôn cũng đã thành công trong việc vận động nhân dân làm đường bê tông, kiên cố hóa kênh mương, tu sửa nhà văn hóa… cùng nhiều công trình phúc lợi theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả đó, Tổ dân vận thôn Bãi Trữ đã chung tay, góp sức đưa xã Ninh Giang về đích nông thôn mới từ năm 2014.
Đào Duy