Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường theo hướng chuẩn hóa Để có trường, lớp khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học, những năm qua ngành Giáo dục- đào tạo đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh, huy động các nguồn lực xã hội tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy và học cho các nhà trường. Để công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đạt hiệu quả cao, ngành Giáo dục-đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, tạo điều kiện cho con em địa phương có môi trường học tập tốt nhất, qua đó thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa bàn.
Hàng năm, ngành Giáo dục- đào tạo đã quan tâm tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng các trường học, có thống kê, báo cáo các trường học xuống cấp cần tu sửa, xây dựng mới, từ đó cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương có phương án phối hợp giải quyết. Trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, cùng với sự đầu tư về kinh phí của địa phương, ngân sách Nhà nước, ngành Giáo dục- đào tạo còn tranh thủ các nguồn vốn, kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về kiên cố hóa trường học…để hỗ trợ thêm quá trình xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Ngành đã tích cực phối hợp với các địa phương chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây mới 2.039 phòng học, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp toàn ngành đến nay đạt 84,8%, tăng 8,4% so với năm 2010. Trong năm học 2014- 2015, Sở đã kiểm tra công nhận thêm 36 trường học đạt chuẩn Quốc gia, gồm 7 trường mầm non, 19 trường tiểu học mức độ 2 và 9 trường THCS, 1 trường THPT; chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng và công nhận lại trên 40 trường đã đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm theo quy chế. Số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh hiện nay là 373/469 trường, đạt tỷ lệ 79,5%. Trong đó: mầm non 112/150 trường (đạt 74,7%); tiểu học mức độ 2 là 75/150 trường (đạt 50%); THCS 104/142 trường (đạt 73,2%); THPT 7/27 trường (đạt 25,9%). Tỷ lệ trường mầm non và THCS đạt chuẩn quốc gia đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010-2015 (tăng 0,5% so với năm học trước).
Chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn trong tốp đầu cả nước
Bám sát các nội dung của phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", phát huy những thành tích đạt được từ các năm học trước, toàn ngành tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, giáo dục mũi nhọn được quan tâm đẩy mạnh thông qua nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với mỗi đơn vị, nhà trường nên đã có bước phát triển rất khả quan, đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Các nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học thông qua bồi dưỡng giáo viên, hội thảo chuyên môn, dự giờ thăm lớp, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các thiết bị dạy học.
Đổi mới phương pháp dạy và học đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng đánh giá chuyên môn giáo viên. Ngành Giáo dục-đào tạo đã tham mưu cho tỉnh xây dựng chính sách với giáo viên, học sinh, trong đó có cơ chế thu hút, đãi ngộ, khuyến khích giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Cử những giáo viên trẻ, có năng lực đi đào tạo các lớp cao học, nghiên cứu sinh để làm lực lượng nòng cốt. Các nhà trường đã tập trung đổi mới phương pháp phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi ở tất cả các cấp học. Thực hiện nhiều giải pháp để phát hiện, tuyển chọn và thu hút học sinh giỏi trong toàn tỉnh vào học tại trường THPT chuyên của tỉnh. Tập trung chỉ đạo để mỗi cấp học, mỗi huyện, thành phố, thị xã đều đầu tư xây dựng các trường trọng điểm chất lượng cao, có đủ cơ sở vật chất theo chuẩn quy định, có đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nghề. Những năm qua, Ngành đã chú trọng đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh vào trường chuyên theo hướng phát hiện sớm những học sinh có năng lực, năng khiếu để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng…
Với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp, 5 năm qua chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh có nhiều chuyển biến. Ninh Bình có 1 học sinh đạt huy chương đồng Olympic quốc tế, 1 học sinh đạt giải khuyến khích tại kỳ thi Vật lý châu á-Thái Bình Dương, 1 học sinh đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh quốc tế. Hàng năm, số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia lớp 5, lớp 9, lớp 12 duy trì kết quả khả quan. Điểm trung bình 3 môn thi đại học của học sinh Ninh Bình 5 năm qua đều xếp trong tốp 10 tỉnh, thành và dẫn đầu toàn quốc. Ninh Bình cũng là tỉnh củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiểu học mức độ 2, THCS. Tháng 12-2013, Ninh Bình là tỉnh thứ 7 của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tháng 12-2014 là tỉnh thứ 8 của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, về đích sớm một năm so với kế hoạch.
Bùi Diệu