Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, từ năm 2014, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đầu tư xây dựng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan khu nuôi dưỡng, chăm sóc những đối tượng là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị tật bẩm sinh hoặc mắc các bệnh về thần kinh, tâm thần (gọi là Khoa 4). Hiện nay, Khoa 4 đang chăm sóc, điều trị cho 24 nạn nhân nặng, thực sự trở thành ngôi nhà chung cho những mảnh đời bất hạnh.
Bác sĩ Phạm Hồng Khánh, Trưởng khoa 4 cho biết: Cả khoa mới có 11 cán bộ, nhân viên. Theo đó, khoa luôn bố trí người túc trực để kịp thời phát hiện những biểu hiện bệnh nhân lên cơn và có phương án cắt cơn kịp thời. Hàng ngày, Khoa 4 đã chỉ đạo công tác phục hồi chức năng thực hiện tại chỗ liên tục, tích cực xoa bóp liệu pháp tại giường với 4 bệnh nhân bị bại não nằm liệt tại chỗ trong đó có 1 bệnh nhân đã đi lại vận động tốt. Đối với những bệnh nhân có thể đi lại được ngoài việc được nhân viên hướng dẫn phục hồi trên máy phục hồi thì bệnh nhân còn được hướng dẫn các phương pháp phục hồi khác như tập thể dục, chơi cờ, đọc báo, xem ti vi, cùng nhân viên chăm sóc vườn hoa cây cảnh, xóa tan khoảng cách giữa nhân viên và người bệnh tạo cho bệnh nhân cảm thấy gần gũi gắn bó hơn với đơn vị. Những lúc giải lao thì điều dưỡng cắt móng tay, cạo râu, lau rửa cho bệnh nhân…
Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan cho biết thêm, theo điều tra xã hội học của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có trên 35.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Tổng số hội viên là 5.623 người, trong đó có 4.704 người được hưởng chính sách, trong số đối tượng được hưởng chính sách có 1.890 con của người hoạt động kháng chiến bị di chứng chất độc hóa học đang hưởng chế độ trợ cấp, trong đó có 653 đối tượng bị dị dạng, dị tật không tự chủ được trong sinh hoạt hưởng trợ cấp mức 1, số đối tượng này mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát tình hình con của người nhiễm chất độc hóa học do Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện thực hiện thì đa số các đối tượng có hoàn cảnh rất khó khăn, trong đó có tới 50% đối tượng nặng đặc biệt cần kinh tế, thuốc điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng; 15% đối tượng cần người chăm sóc; 10% đối tượng cần sự giúp đỡ về khám bệnh; 15% đối tượng cần hỗ trợ về phương tiện phục hồi; 10% đối tượng bán trú… Rất nhiều gia đình muốn gửi con vào nuôi dưỡng và chăm sóc tại Trung tâm do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn hoặc thiếu nhân lực chăm sóc con em tại nhà. Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm mới có khả năng nuôi dưỡng 24 bệnh nhân. Hiệu quả của việc nuôi dưỡng, chăm sóc nội trú bệnh nhân bị nhiễm chất độc da cam đã được khẳng định trên thực tế. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực… để chúng tôi có thể tiếp nhận, nuôi dưỡng nội trú tập trung được nhiều bệnh nhân hơn"- Bác sỹ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan trăn trở.
Đào Hằng