Đầu thế kỷ XIX, danh nhân Cao Bá Quát (1809-1854) mô tả khái quát vùng đất Ninh Bình qua hai câu thơ: Sông tựa dải là cô gái đẹp/Núi như chén ốc khách làng say. Cuối thế kỷ XX nhạc sỹ Song Đào sáng tác bài hát Dáng vóc Ninh Bình, trong đó có lời: Nơi đây núi gối đầu sông, nơi đây ngàn năm văn hiến... Chỉ bằng ấy những lời thơ, lời ca đã khái quát nên hình sông thế núi của Ninh Bình cùng ghép nên hình giang sơn xã tắc của đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến.
Là phần kéo dài và phân tán về phía đông của dãy núi đá vôi đồ sộ phía Tây Bắc của Tổ quốc, hay trong không gian rộng hơn nó là những phần chân của dãy Hymalaya vươn ra biển Thái Bình Dương, do vậy Ninh Bình có nhiều dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam như các dãy núi đá vôi trải dài trên các huyện Nho Quan, Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Mô và thành phố Tam Điệp. Thời điểm hình thành những dãy đá vôi này dao động trong khoảng từ 250 đến 300 triệu năm cách ngày nay.
Trải qua nhiều thời kỳ bị nâng lên, hạ xuống, bị uốn nếp, bào mòn dẫn đến những dãy đá vôi ở đây có dạng địa hình hết sức đa dạng với hàng loạt các hệ thống thung lũng, hố sụt, hang động cạn và hang động nước nối thông giữa các hố sụt, thung lũng ngập nước hay chạy dài theo những dãy núi đá vôi sắc mảnh. Và đặc biệt hơn nữa hầu hết những dãy núi đá vôi ở Ninh Bình đều chịu sự xâm lấn và biến cải nhiều lần bởi biển trong giai đoạn Pleistocene sang giai đoạn Holocene.Ninh Bình còn sở hữu địa hình đồng bằng phù sa cổ ở trước núi, địa hình cồn cát xuất hiện trong quá trình hình thành Đồng bằng sông Hồng; địa hình đồng bằng phù sa mới xen kẽ với những đầm nước gắn liền với không gian vùng ven biển thuộc huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn. | Di sản văn hóa Ninh Bình cần tiếp tục được nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa đối với di sản văn hóa phi vật thể, đưa các lễ hội thực sự trở về với cộng đồng. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Ninh Bình cần có một đội ngũ nhân sự tốt, một công trình văn hóa Bảo tàng xứng tầm, cần liên kết chặt chẽ hơn giữa bảo tàng và di tích, gắn kết hơn nữa trong phát triển du lịch, trong xu thế toàn cầu hóa. |
Riêng về mặt địa chất, địa mạo của Quần thể danh thắng Tràng An trong khối đá vôi Hoa Lư cũng đã đủ cho chúng ta tuyên bố với thế giới về giá trị nổi bật toàn cầu bởi nó đã nói lên một giai đoạn lịch sử hình thành trái đất với một dạng địa mạo riêng, cần bổ sung vào sách giáo khoa địa mạo của thế giới, đó là vùng giao thoa giữa những tháp núi đá vôi được nối liền với nhau bởi những sông núi sắc mảnh và những tháp núi đá vôi đứng độc lập cùng đều bị biến cải nhiều lần do sự xâm thực của biển.
Trên cơ sở lịch sử địa chất lâu dài, đa dạng về địa hình, địa mạo là điểm giao thoa giữa các luồng di cư của động vật, thực vật theo hướng lục địa và biển và giữa các vịnh biển theo hướng Bắc - Nam đã làm cho Ninh Bình có một hệ sinh thái hết sức đa dạng. Đây cũng là cơ sở cho sự xuất hiện sớm của loài người trên đất Ninh Bình, là tiền đề hình thành nhà nước. Và vùng đất này cũng là điểm giao thoa về văn hóa, điểm hội tụ và lan tỏa của các tôn giáo lớn, là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam á.
Qua thống kê sơ bộ, Ninh Bình có hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có trên 300 di tích cấp tỉnh; 79 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, một di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An).
Trong số hàng ngàn những di sản ấy có hàng trăm những di tích khảo cổ trong hang động, mái đá, trên thềm đất ven sông, nơi lưu dấu ấn của người tiền sử; hàng chục những di tích cho thấy sự bắt đầu hình thành nhà nước (thời điểm dựng nước của các Vua Hùng) để rồi hun đúc nên kinh đô Hoa Lư; hàng trăm di tích là những công trình kiến trúc tín ngưỡng thờ cúng thần, thánh, phụng thờ các nhân vật lịch sử liên quan tới công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc; hàng chục các công trình lớn phục vụ công cuộc mở đất, mở cõi như đê Hồng Đức; khai hoang lấn biển mở ra vùng đất mới Kim Sơn; mở đường thủy như kênh Nhà Lê; phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng xã hội; hàng trăm công trình kiến trúc tôn giáo…
Bên cạnh là hàng loạt các di sản tri thức, kinh nghiệm về ngoại giao, phát triển kinh tế-xã hội cùng tín ngưỡng thờ cúng, các lễ hội, phong tục tập quán…
Lễ hội Tràng An. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc, điểm lại những di sản văn hóa trên đất Ninh Bình cho chúng ta thấy một bức tranh di sản của ông cha đa sắc mầu, sâu lắng hồn sông núi, từ lịch sử địa chất, địa mạo đến dấu ấn lịch sử nhân loại cho chúng ta tuyên bố với thế giới giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, thiên nhiên để được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An) đến những dấu tích (khảo cổ) vật chất thời kỳ đầu dựng nước, bên cạnh những di tích, truyền thuyết liên quan tới các tướng thời Hùng Vương dựng nước, rồi các di tích, truyền thuyết liên quan tới các tướng dưới thời hai bà Trưng giữ nước còn in đậm trên vùng đất Ninh Bình.
Và vai trò là Kinh đô của nước Việt (kinh đô Hoa Lư) ở cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI, thống nhất giang sơn gắn liền với anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng, chiến tích kháng Tống, bình Chiêm của Lê Hoàn.
Kinh đô Hoa Lư nơi giao thoa không gian văn hóa (sông Hồng, sông Mã), giao thoa không gian xã hội Việt-Mường, nơi giao thoa không gian địa mạo núi đồi và vùng đồng bằng trước núi, thời điểm hình thành kinh đô là bản lề cánh cửa khép lại một ngàn năm thuộc Bắc, mở ra thời kỳ độc lập phát triển kinh tế, xã hội-văn hóa.
Sang thời Trần có hành cung Vũ Lâm gắn với chiến thắng quân Nguyên, rồi khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, địa bàn phân tranh thời kỳ Nam-Bắc triều, nơi hội tụ những tướng tài, địa thế vua Quang Trung xây dựng phòng tuyến Tam Điệp làm bàn đạp xua đuổi 29 vạn quân Thanh, là địa bàn cho phong trào cộng sản sớm nẩy mầm, phát triển, là đại bản doanh của Binh đoàn Quyết Thắng - đơn vị góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước Việt Nam.
Dấu tích thành quách xưa cùng hàng ngàn công trình kiến trúc, di vật, di văn bia đá vẫn đang "thi gan cùng tuế nguyệt", những di tích, di vật ấy đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Những tên làng đậm chất Mường-Việt (Me, Mí, Mèn, Mát, ác, Láo…), trong không gian này còn đang bảo tồn lối hát đối Rằng thường bên cạnh các làng vùng đồng bằng có hát chèo, hát xẩm, hát ả đào….
Bên cạnh những tên thung (Ui, Bói, Bim..), tên áng (Đại, Lấm, Sơn, Ngũ..), tên lòng (Kháo; Trò; Bong) là thể hiện cả một quá trình đi mở đất trong không gian núi đồi, thung lũng và vùng đồng bằng trước núi.
Cùng với đó là sự hội tụ và lan tỏa của các dòng họ trong quá trình đi mở đất lập làng, di dân di thần để lại biết bao những dấu ấn vật chất, phong tục, tập quán và văn hóa ẩm thực…. Và đây là không gian để Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo sớm thâm nhập, tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẫu Liễu), thờ Cha (Trần Hưng Đạo), Công giáo đều phát triển mạnh trên đất Ninh Bình.
Di sản văn hóa Ninh Bình cần tiếp tục được nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa đối với di sản văn hóa phi vật thể, đưa các lễ hội thực sự trở về với cộng đồng. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Ninh Bình cần có một đội ngũ nhân sự tốt, một công trình văn hóa Bảo tàng xứng tầm, cần liên kết chặt chẽ hơn giữa bảo tàng và di tích, gắn kết hơn nữa trong phát triển du lịch, trong xu thế toàn cầu hóa.
Nguyễn Cao Tấn(Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Ninh Bình)