Tuy nhiên thời gian vừa qua, việc khai thác các giá trị di sản để phục vụ du lịch đã phần nào làm ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của các di sản. Vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp chính quyền, đặc biệt là cơ quan quản lý về văn hóa, du lịch phải có kế hoạch để giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn các giá trị di sản. Di sản văn hóa và tài nguyên du lịch có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Trên cơ sở những giá trị di sản văn hóa, du lịch khai thác để hình thành nên những sản phẩm bán cho khách.
Sau khi khai thác và trong quá trình vận hành, du lịch đồng thời làm nhiệm vụ quảng bá hình ảnh và những giá trị của di sản văn hóa tới nhân loại, và nguồn kinh phí thu được từ du lịch quay trở lại đầu tư một phần cho di sản như việc tôn tạo, tu bổ, gìn giữ và phát huy thêm những giá trị của di sản văn hóa.
Có thể thấy các di tích lịch sử văn hóa có giá trị phát triển du lịch phân bố khá tập trung. Các di tích đặc biệt quan trọng có khả năng hấp dẫn, thu hút cao đối với khách du lịch tập trung chủ yếu ở các khu vực Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình.
Một số di sản văn hóa là niềm tự hào của người dân Ninh Bình như: Cố đô Hoa Lư; chùa Bái Đính; chùa Non nước, chùa Bích Động; nhà thờ đá Phát Diệm…Đây chính là một trong những thế mạnh để du lịch Ninh Bình "cất cánh" trong những năm gần đây. Theo thống kê của ngành du lịch trong giai đoạn 2008-2012 lượng khách đến Ninh Bình có tốc độ tăng nhanh từ 1741.602 lượt khách (năm 2008) lên 3750.000 lượt khách (năm 2012).
Thực tế việc phát huy những giá trị di sản văn hóa tại Ninh Bình để phục vụ cho phát triển du lịch những năm qua đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều di sản văn hóa đã phát huy được giá trị của mình, được đông đảo du khách thập phương và bạn bè quốc tế biết đến.
Đặc biệt như Quần thể danh thắng Tràng An, một di sản đang trong quá trình đề cử là di sản thế giới, mỗi năm Tràng An thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, chiếm khoảng trên 30% du khách đến Ninh Bình.
Theo quy hoạch tổng thể của du lịch Ninh Bình với mục tiêu lấy Quần thể danh thắng Tràng An làm trung tâm phát triển du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa. Điều này có thể khuyến khích du lịch tăng nhanh. Ước tính nếu di sản đề cử được công nhận là di sản thế giới số lượng khách du lịch sẽ tăng đều đặn qua các năm và có thể lên đến 2 triệu lượt khách/năm.
Tuy nhiên du lịch vẫn chưa khai thác hết hiệu quả nguồn tài nguyên di sản văn hóa của địa phương; có chăng cũng ở mặt đón khách đến tham quan, tìm hiểu trong những dịp đầu xuân, lễ hội và cũng chỉ dừng lại ở mức khách đến tự phát, tự cung tự cấp và không lưu trú qua đêm tại điểm tham quan.
Những địa phương có di sản văn hóa hầu như chưa "kiếm" được tiền từ túi của khách vì vậy việc tôn tạo, tu bổ các di tích đang phụ thuộc quá nhiều vào Nhà nước mà chưa có sự xã hội hóa trong quá trình bảo tồn các giá trị di sản.
Theo nhận xét của ông Nguyễn Quốc Hùng, Cục phó Cục di sản văn hóa- Bộ văn hóa, thể thao và du lịch tại buổi tọa đàm về liên kết phát triển du lịch vừa qua thì "việc khai thác những di sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để phát triển du lịch văn hóa những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế.
Như di sản Quần thể Danh thắng Tràng An, hoạt động du lịch mới dừng ở khai thác các giá trị tự nhiên, gần như chưa đi vào chiều sâu các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch; các di tích, lễ hội cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh, tham quan vãng cảnh của người dân, việc khai thác hàm lượng văn hóa trong các di sản để phát triển du lịch chưa tương xứng tiềm năng.
Một số khu di tích trọng điểm của tỉnh, ngoài Chùa Bái Đính và Cố đô Hoa Lư thì các khu di tích còn lại đều ít người biết đến, trừ các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa và người dân trên địa bàn...
Xong việc khai thác các giá trị di sản văn hóa cần phải có một chiến lược lâu dài để bảo tồn tính nguyên vẹn của di sản nếu tổ chức không tốt thì chính du lịch sẽ phá hủy các giá trị di sản. Ðiều này thể hiện khá rõ nét trong việc tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống của tỉnh như Lễ hội chùa Bái Đính; lễ hội Hoa Lư...
Một số lễ hội đã bị khách du lịch làm thương mại hóa. Cư dân địa phương cũng phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch để kiếm sống và giao dịch thương mại. Do vậy lễ hội phần nào bị che lấp mất giá trị quý giá vốn có của nó.
Mặc dù chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch bảo vệ, quản lý tại các điểm du lịch nhưng không thể ngăn cản hết những hành động thiếu tính nhân văn của một số du khách.
Một bộ phận người dân tham gia làm du lịch tại các điểm di tích lịch sử cũng chỉ biết đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến chuyện lâu dài, khi di sản bị làm méo mó, mất giá trị, liệu còn ai biết đến để tham quan du lịch nữa.
Mặc dù vấn đề khai thác các giá trị di sản để phục vụ du lịch đã được cảnh báo không ít nhưng dường như sự phối hợp hành động giữa ngành văn hóa và ngành du lịch còn thiếu chặt chẽ. Một số người trông giữ di sản không am tường về du lịch, còn những người làm du lịch thì tìm mọi cách để thu hút khách mà không cần quan tâm đến việc có làm tổn hại đến di sản hay không.
Trong quá trình phát triển, mỗi di sản không thể "đóng cửa" chỉ trông chờ vào kinh phí của Nhà nước để bảo tồn, mà còn cần được quảng bá rộng rãi không những ở trong nước mà còn vươn ra thế giới để giới thiệu rộng rãi với mọi người về đất nước và con người Ninh Bình, từ đó có thêm nguồn kinh phí phục vụ tôn tạo, sửa chữa.
Bên cạnh đó người dân cũng giữ vai trò chính trong việc xây dựng môi trường văn hóa cho du lịch. Vì vậy, ngành văn hóa và du lịch cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục tinh thần tự hào, ý thức bảo vệ di sản gắn với lợi ích của mỗi người dân đang sinh sống trong vùng có giá trị di sản.
Thiết nghĩ, Ninh Bình cần xây dựng một chiến lược lâu dài, gắn liền việc bảo tồn, tôn tạo với khai thác phát huy giá trị để phục vụ cho việc phát triển du lịch. Có vậy, những di sản văn hóa giàu có của tỉnh nhà mới được "đánh thức", phục vụ xu hướng phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới đây.
Đào Vũ Minh