Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới kép Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi về Tràng An, trong cái nắng vàng của mùa thu cảnh vật dường như trong xanh và yên bình hơn. Cảnh quan trải ra trước mắt du khách như một bức tranh thủy mặc với hệ thống núi đá vôi trùng trùng, điệp điệp muôn hình vạn trạng. Sự hòa quyện của những ngọn núi cao chót vót được các tấm thảm rừng tự nhiên bao phủ, cùng với nó là các lòng chảo bên trong rộng lớn có nước chảy lững lờ, tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp và thanh bình.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, một trong những người đầu tiên của tỉnh tham gia xây dựng hồ sơ di sản thế giới của Tràng An say sưa kể câu chuyện về di sản với những giá trị về cảnh quan thiên nhiên và lịch sử văn hóa của Tràng An. Tại đây, ít nhất đã có 3 lần "biển tiến, biển thoái" ở các giai đoạn khác nhau, đặc biệt là giai đoạn cách đây khoảng 4.000 - 7.000 năm. Nhưng dù ở thời kỳ nào, biển tiến hay thoái thì con người vẫn luôn có mặt ở đây và cư trú trong các hang động đá vôi. Lịch sử văn hóa lâu đời nơi đây gắn bó chặt chẽ với quá trình phát triển địa chất của khu vực. Tràng An là địa điểm nổi bật nhất ở khu vực Đông Nam á và mang ý nghĩa toàn cầu trong việc minh chứng phương thức người tiền sử tương tác với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với những biến đổi to lớn về môi trường qua giai đoạn hơn 30 nghìn năm và xác lập một hệ thống cư trú độc đáo của người tiền sử. Cũng ở đây, vào thế kỷ thứ X, Kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt đã hình thành, mở nền độc lập, tự chủ thịnh vượng cho các thời đại kế tiếp của quốc gia Đại Việt, là tiền đề để hướng tới tiến ra vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ và lập đô ở Thăng Long.
Mặc dù Quần thể danh thắng Tràng An có giá trị lớn về văn hóa, cảnh quan, địa chất, địa mạo nhưng con đường trở thành di sản lại khá "chông gai". Ông Mạnh nhớ lại: Cuối năm 2011, Quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình mới chính thức được Chính phủ phê duyệt để xây dựng hồ sơ đăng ký với UNESCO và được chấp thuận. Ban đầu khi xây dựng hồ sơ Ninh Bình khá lúng túng, chưa tự tin lắm khi lập hồ sơ đề nghị công nhận Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới. Bởi nếu chỉ xét trên tiêu chí về thiên nhiên, địa chất địa mạo, Tràng An rất dễ bị so sánh là giống Vịnh Hạ Long - khó có cửa được công nhận.
Tháng 3-2012, chuyên gia người New Zealand, Paul Dingwall đến Ninh Bình làm cố vấn. Cùng một số chuyên gia trong và ngoài nước, ông cũng tư vấn: ngoài tiêu chí 7 về cảnh quan thiên nhiên và tiêu chí 8 về địa chất địa mạo, địa phương có thể quan tâm đến tiêu chí 5 về văn hóa. Giải pháp nhấn vào yếu tố văn hóa qua khảo cổ học- hướng đi mới và cũng là thách thức mới cho Tràng An vì phải tìm ra mối liên kết giữa hai yếu tố tưởng chừng không liên quan. Trước đó, từ chục năm nay, Trường Đại học Cambridge (Anh) tích cực phối hợp với địa phương trong quá trình khai quật, khảo sát và đã có những kết quả khảo cổ quan trọng minh chứng cho một nền văn minh của người Việt cổ ở Tràng An.
Chính bởi hội tụ các giá trị quý giá này, nên ngày 23-6-2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản đầu tiên của Việt Nam xếp trong danh mục hỗn hợp (vừa là di sản văn hóa, vừa là di sản thiên nhiên). Đây cũng là di sản thế giới thứ 8 của Việt Nam. Điều này không chỉ là vinh dự của Việt Nam, mà còn là sự ghi nhận của UNESCO đối với những nỗ lực của Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng trong việc quản lý, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới - Danh thắng Tràng An.
Mở cơ hội phát triển du lịch
Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với Du lịch Việt Nam nói chung, Du lịch Ninh Bình nói riêng, không chỉ nâng cao hình ảnh du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, mà nó còn định hình lại trục phát triển của du lịch các tỉnh phía Bắc, hình thành nên tam giác phát triển du lịch mới (Hà Nội- Ninh Bình- Quảng Ninh). Tận dụng tốt lợi thế về tài nguyên du lịch và cơ sở hạ tầng cùng với một môi trường du lịch an toàn, thân thiện, Ninh Bình sẽ có nhiều cơ hội phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước, là điểm đến trung chuyển và phân phối khách du lịch lớn ở phía Bắc. Thực tế đã chứng minh, sau khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, số lượng du khách đến với Ninh Bình đã tăng đáng kể theo các năm. Cụ thể, năm 2013, toàn tỉnh đã đón 4.391.692 lượt du khách, tăng 118,3% so với năm 2012. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2015, du khách đến với Ninh Bình đạt 4.931 nghìn lượt khách, tăng 34,4% so với cùng kỳ.
Chị Hoàng Thị Thu Hường, Phó Ban quản lý bến thuyền Tràng An cho biết: Sau khi trở thành di sản thế giới, du khách đến với khu du lịch sinh thái Tràng An tăng khoảng 50%. Thời điểm mùa xuân du khách đến với Tràng An có thể tăng từ 200-300% so với ngày thường. Đặc biệt, du khách nước ngoài đến với Tràng An ngày một tăng cao, đông nhất là khách Châu á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã phối hợp với Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn về an toàn lái đò, bồi dưỡng kiến thức về lịch sử, cảnh quan, môi trường để "mỗi người lái đò là một hướng dẫn viên du lịch".
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX đã xác định rõ: Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Phát triển du lịch bền vững phải gắn với việc giải quyết hài hòa giữa lợi ích của người dân và người kinh doanh du lịch cũng như việc lưu giữ các giá trị văn hóa địa phương. Đối với Quần thể danh thắng Tràng An, việc phát triển du lịch ở đây luôn được gắn kết chặt chẽ với công tác bảo vệ, bảo tồn di sản. Nơi đây đang xây dựng hình ảnh của một điểm đến an toàn thân thiện, mến khách.
Hiện tại, Quần thể danh thắng Tràng An đang mang lại cơ hội công ăn việc làm, thu nhập cho hàng nghìn người dân địa phương sống quanh khu vực di sản. Người dân sống quanh khu vực di sản từ cuộc sống khó khăn do đặc điểm vùng chiêm trũng, hàng năm chỉ trồng một vụ mùa không đủ ăn, nay đã có cuộc sống ổn định hơn nhờ nghề chèo đò, làm dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, việc cung cấp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm cho nhà hàng cũng tạo thêm nguồn thu cho người nông dân.
Chị Vũ Thị Huy, thôn Tràng An, xã Trường Yên, Hoa Lư đã có thâm niên chèo đò ở khu du lịch sinh thái Tràng An hơn 10 năm cho biết: Trước đây Quần thể danh thắng Tràng An là khu ruộng cấy của người dân các xã trong khu vực như Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải...Tuy nhiên, vùng này chỉ cấy được một vụ lúa còn lại phải đi làm thuê các việc khác để mưu sinh. Sau khi Nhà nước quy hoạch vùng này trở thành vùng du lịch, người dân chúng tôi đã được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm lái đò với mức thu nhập trung bình từ 2.500.000-3.000.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, việc tham gia làm du lịch đã giúp người nông dân được giao lưu với thế giới bên ngoài. Tràng An trở thành khu du lịch nổi tiếng thế giới, người dân chúng tôi đã được hưởng lợi rất nhiều, do đó mọi người đều có ý thức trong việc chung tay giữ gìn các giá trị di sản để đời con cháu vẫn được hưởng thụ những giá trị di sản thế giới Tràng An mang lại.
Chiến lược và Quy hoạch tổng thế phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định Hoa Lư - Tam Cốc - Bích Động, một bộ phận quan trọng của Di sản Tràng An, là điểm đến quan trọng trong hệ thống các khu du lịch quốc gia. Điều này đã khẳng định những giá trị đặc biệt ở tầm quốc gia của Quần thể danh thắng Tràng An từ góc độ du lịch.
Để Tràng An thực sự trở thành điểm đến an toàn hấp dẫn đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan cùng đông đảo nhân dân cần phải tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị của UNESCO trong quản lý, bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu, sự toàn vẹn của di sản. Ngay từ bây giờ cần xác định những việc cần làm ngay, như: tu sửa, làm mới hệ thống bảng, biển báo chỉ dẫn du lịch, từng bước xây dựng và hoàn thiện các mô hình phát triển du lịch gắn với di sản; hoàn thiện kế hoạch quản lý di sản; các biện pháp ngăn ngừa sự quá tải và các tác động lên môi trường di sản. Tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu được giá trị của di sản để tránh xâm hại và góp phần bảo vệ, gìn giữ giá trị của di sản.
Nguyễn Thơm